Xã Châu Bình - anh hùng thời chiến, tiên phong thời bình

Xã Châu Bình - anh hùng thời chiến, tiên phong thời bình
Châu Bình là xã thuộc tiểu vùng II của huyện Giồng Trôm, có diện tích tự nhiên là 2.732 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 2.200 ha. Là xã vùng sâu, trong kháng chiến Châu Bình là vùng căn cứ cách mạng và bị bom, đạn tàn phá ác liệt. Toàn xã có 106 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 439 liệt sĩ, 232 thương bệnh binh, 476 gia đình có công với cách mạng. Trong vòng 10 năm, Châu Bình hai lần vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng. Xã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1995 và 10 năm sau Châu Bình nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Sau khi đất nước thống nhất, Châu Bình được xếp vào diện xã khó khăn bởi cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, điều kiện để phát triển kinh tế bị hạn chế. Tuy vậy, phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Châu Bình với tinh thần đoàn kết, chung lưng đấu cật, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung chăm lo phát triển kinh tế với quyết tâm thực hiện thành công cuộc Đồng khởi mới trong xây dựng, kiến thiết quê hương.

Là xã thuần nông, thế mạnh của Châu Bình là sản xuất nông nghiệp với cây dừa là cây trồng chủ lực, còn lại là trồng cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình Từ Xuân Tiếng cho biết, xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng và tăng giá trị sản xuất là hướng đi đúng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, chính quyền xã đã tích cực thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Với chủ trương đó, xã từng bước định hình các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện chuyển đổi của địa phương, đồng thời khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, xã Châu Bình mở rộng diện tích trồng dừa lên gần 1.700 ha (trong đó diện tích cho trái 1.365ha, sản lượng hơn 14 triệu trái/năm) và gần 300 ha cây ăn trái các loại.

Các mô hình trồng xen, nuôi xen các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng địa phương được nhân rộng như: Trồng cây có múi xen trong vườn dừa, nuôi tôm càng xanh trong mương vườn... Xã còn phát triển mạnh chăn nuôi với tổng đàn bò hơn 1.350 con, đàn lợn 1.362 con, đàn dê hơn 1.500 con… Ngoài ra, tại xã, kinh tế tiểu thủ công nghiệp phát triển và quy mô hoạt động của các hộ may gia công, tổ liên kết được nâng cao, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định trên 350 lao động nông thôn trên địa bàn xã.

Không những anh hùng trong chiến tranh, Châu Bình còn là địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre. Năm 2013, xã Châu Bình là 1 trong 5 xã được tỉnh Bến Tre chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua gần hai năm triển khai thực hiện, Châu Bình là xã đầu tiên của tỉnh Bến Tre được công nhận xã nông thôn mới vào tháng 11 năm 2014. Đến năm 2019, xã được tái công nhận xã văn hóa nông thôn mới sau 5 năm. Xã đang thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2019-2020.

"Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở xã Châu Bình là do có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân về công tác xây dựng nông thôn mới, trong đó cán bộ đảng viên là những người gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là việc hiến đất hoa màu, các tiêu chí hộ gia đình", Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình Từ Xuân Tiếng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, xã đã tập trung huy động mọi nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi ngăn mặn trữ ngọt… góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, xã Châu Bình đã thu hút được 6,5 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước 3,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2,3 tỷ đồng và nguồn vốn khác. Từ nguồn vốn trên, xã xây dựng 29 km đường bê tông, 10 cầu nông thôn và các công trình phúc lợi.

Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Châu Bình còn 0,96% (24 hộ), hộ cận nghèo còn 2,06% (54 hộ), thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/người/năm. Đáng chú ý, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Châu Bình là một trong 15 hợp tác xã của tỉnh hoạt động tiêu biểu, hiệu quả. “Để có kết quả kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,96% như hiện nay, Châu Bình đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất; hướng dẫn cách làm ăn để hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững; vận động các đối tượng trong độ tuổi lao động tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài để tăng thu nhập”, ông Từ Xuân Tiếng chia sẻ.

Theo Bí thư Đảng ủy Châu Bình Từ Xuân Tiếng, đổi thay rõ nét nhất của địa phương ngày nay là diện mạo nông thôn được đổi mới, kinh tế của xã ngày càng đi lên, kết cấu hạ tầng được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt văn hóa của địa phương ngày càng phát triển.

Ông Ngô Văn Hội,  ấp Bình An, xã Châu Bình, người được mệnh danh là “vua dừa” ở Bến Tre, với 7 ha trồng dừa chia sẻ: “Từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, đường giao thông nông thôn được mở rộng, xe đi đến tận nhà thu mua nông sản nên không còn sợ thương lái ép giá. Ngoài ra, sau khi chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng dừa và chăn nuôi đời sống của bà con trong xã ngày một đi lên”. 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Từ Xuân Tiếng, trên cơ sở nhận diện những thuận lợi cũng như khó khăn trong nhiệm kỳ 2020-2025, xã Châu Bình xác định những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để đưa kinh tế - xã hội địa phương không ngừng phát triển, xứng đáng với truyền thống anh hùng. Theo đó, thời gian tới, Châu Bình tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tổ chức sản xuất lại ngành nông nghiệp, trong đó xác định cây dừa là chủ lực của địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn xã, quan tâm lợi ích của thành viên hợp tác xã.

Cùng với đó, xã tìm giải pháp phát triển sản xuất phù hợp, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân, thông qua tổ chức lại sản xuất, liên kết, hợp tác, nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong nông nghiệp. Đồng thời, Châu Bình ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước hình thành chuỗi giá trị cây dừa. Xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là cải tạo các vườn dừa theo hướng hữu cơ, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và thổ nhưỡng của vùng.

Song song đó, xã rà soát lại các tiêu chí, quyết tâm xây dựng Châu Bình trở thành xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2020 và xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Công Trí
TTXVN

Có thể bạn quan tâm