Ở các địa phương vùng cao của tỉnh Sơn La, do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên ngành giáo dục phải bố trí nhiều điểm trường lẻ, lớp học cắm bản. Vấn đề này khiến việc đầu tư cơ sở vật chất bị dàn trải, khó bố trí giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học nhất là đối với bậc mầm non và tiểu học. Những năm gần đây, ngành giáo dục tỉnh Sơn La đã triển khai rà soát, dồn các điểm trường lẻ về trung tâm. Tuy nhiên, quá trình này gặp không ít những khó khăn.
Điểm trường lẻ Củ Sát là một trong ba điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Mường Khiêng 1, huyện Thuận Châu. Điểm trường này cách điểm trường trung tâm khoảng 10km, với 5 lớp học do 6 giáo viên phụ trách. Hầu hết học sinh nơi đây là con em đồng bào dân tộc Thái. Đây là một trong những trường dự kiến sẽ triển khai thực hiện chủ trương đưa học sinh điểm trường lẻ về học tại điểm trường trung tâm nhằm tinh gọn biên chế. Tuy nhiên, do đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, phần lớn thời gian đi làm nương rẫy, nên họ không muốn con cái học xa nhà vì lo ngại việc đưa đón sẽ vất vả.
Anh Quàng Văn Hùng, người dân bản Củ Sát, xã Mường Khiêng chia sẻ, hầu hết phụ huynh học sinh chỉ muốn cho con em học tại điểm trường lẻ. Bởi điều kiện kinh tế còn khó khăn, không phải hộ nào cũng có xe máy nên nếu đi học xa thì gia đình không thể đi con em mình được. Đặc biệt là các em học sinh lớp 1, lớp 2 thì các em còn nhỏ tuổi nên phụ huynh chưa thực sự yên tâm khi để con cái họ đi học xa nhà.
Hiện nay, các điểm trường lẻ thuộc Tiểu học Mường Khiêng 1 đều cách xa điểm trung tâm từ 10 đến 15km. Không những thế, đường giao thông đi lại chủ yếu là đường đất, nên mỗi khi vào mùa mưa bão, những con đường này luôn là trở ngại rất lớn đối với thầy cô, phụ huynh và các em học sinh. Mặc dù các điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô và phụ huynh học sinh nơi đây hiểu rằng nếu chuyển về trường trung tâm thì việc đưa đón các em còn khó khăn hơn gấp bội. Trong khi đó, cơ sở vật chất để phục vụ cho học sinh ăn, ở bán trú tại điểm trường chính cũng chưa được đảm bảo.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Khiêng 1 cho biết, trước mắt nên phát huy các điểm trường lẻ, vì hiện vẫn đang đủ điều kiện để các em học tập. Còn tương lai, nhà trường mong muốn các cấp tạo điều kiện tu bổ cơ sở vật chất tại điểm trường chính để các học sinh ở điểm lẻ về học. Vì đây sẽ là điều kiện tốt nhất, các em học sinh được học tập, giao lưu với thầy cô, khắc phục tình trạng thiếu tự tin của học sinh dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Tại huyện Thuận Châu hiện có 84 trường học các cấp, thời gian qua ngành giáo dục đã triển khai đưa học sinh về điểm trường chính và giảm được 14 điểm trường lẻ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 144 điểm trường lẻ thuộc bậc mầm non, tiểu học.
Ông Lê Danh Dự, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu thông tin, những năm qua đơn vị đã thực hiện rà soát cơ sở vật chất và khoảng cách giữa điểm trường lẻ đến điểm trường trung tâm. Qua đó, xem xét trường nào có khoảng cách không quá xa, điểm trung tâm đảm bảo cơ sở vật chất, phòng ở bán trú và sự đồng thuận của phụ huynh thì sẽ đưa các em về học tập trung. Từ đó, đảm bảo việc cơ sở vật chất được đầu tư trọng tâm về các điểm trung tâm, tránh dàn trải ở các điểm lẻ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số điểm trường không thể đưa các em về điểm trung tâm được. Nguyên nhân do khoảng cách từ điểm lẻ đến điểm trung tâm quá xa, các em còn nhỏ mới chỉ học lớp 1, lớp 2 nên chưa thể tự lo chăm sóc cho bản thân khi ở bán trú xa nhà.
Theo đánh giá của ngành giáo dục, chủ trương dồn các điểm trường lẻ về trung tâm nhằm mục đích tập trung cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, các em học sinh ở các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc khi về điểm chính cũng có điều kiện học tập, giao tiếp tốt hơn, hạn chế tình trạng thiếu tự tin, nhút nhát. Tuy nhiên, việc sáp nhập các điểm trường lẻ về trung tâm tại các xã, huyện vùng cao hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó là do đặc điểm địa hình và dân cư sống rải rác, nhiều cụm bản quá xa với điểm trường chính. Trong khi đó đường giao thông cách trở, thậm chí phải vượt đèo lội suối. Thêm vào đó, tại các điểm trường trung tâm cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng cho việc dồn số lượng học sinh lớn từ điểm trường lẻ về. Đây là vấn đề đặt ra với các địa phương khi thực hiện chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy tại các trường học.
Tại huyện vùng cao, biên giới Sông Mã hiện có 53 đơn vị trường học trực thuộc với hơn 370 điểm trường. Đây là một trong những địa phương có địa bàn rộng, số lượng điểm trường lẻ nhiều nhất tại tỉnh Sơn La. Vì vậy, việc thực hiện đưa học sinh từ các điểm lẻ về điểm trung tâm được đánh giá sẽ không mang lại hiệu quả. Do đó, việc duy trì các điểm trường lẻ nằm ở các bản làng vùng cao sẽ vẫn phải tiếp tục thực hiện.
Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã thông tin, hầu hết khoảng cách giữa điểm trường trung tâm đến các điểm lẻ rất xa. Với địa bàn rộng, số điểm trường lớn, lớp học nhiều trong khi nguồn ngân ngân sách hạn hẹp nên vẫn còn tình trạng các trường phải mượn tạm nhà văn hóa để giảng dạy. Thời gian qua, đơn vị đã đánh giá lại thực trạng cơ sở vật chất của các nhà trường, trên cơ sở đó, lập kế hoạch đầu tư theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, ưu tiên các nơi thật sự cấp thiết. Trong đó, tập trung huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đầu tư kinh phí để đảm bảo cơ sở vật chất, trang bị điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.
Hữu Quyết