Một lớp tập huấn kỹ thuật chỉnh chiêng vừa được tổ chức, thu hút nhiều nghệ nhân tham gia. |
Theo nghệ nhân Điểu Nơi thì chỉnh chiêng không phải là công việc đơn giản mà cần nhiều kinh nghiệm, có cái tai thẩm âm thật tốt và dùng cái thô sơ chỉnh cái phức tạp. Dụng cụ chỉnh chiêng gồm một cái dùi, một cái đe và một cái búa. Tùy theo chiếc chiêng “bệnh” nặng hay nhẹ, cần kéo âm lên cao hay hạ xuống thấp để dùng dụng cụ và cường độ âm chỉnh thích hợp.
Để chỉnh sửa chiêng khỏi bị "lạc âm, tịt âm” thì trước hết phải dò coi nó như thế nào, mỏng dày ra sao. Chỉnh cho tiếng cao lên thì phải úp chiêng xuống, chỉnh cho tiếng trầm xuống thì phải ngửa chiêng lên. Nói nghe đơn giản, song để biết chuẩn xác thì phải gõ vào điểm nào, gõ mấy cái, lực gõ mạnh nhẹ ra sao thì chỉ có nghệ nhân chỉnh chiêng mới cảm được.
Nghệ nhân Điểu Nơi cho biết: “Chiêng để lâu ngày không đánh, hoặc đánh quá nhiều thì lắm lúc âm thanh sẽ bị phô, đánh không ai nghe được thì cần phải chỉnh lại cho chuẩn xác. Nếu chỉnh không giỏi, chiêng bị nứt, tệ hơn nữa là âm bị lạc nặng hơn, không sửa được, coi như “cái hồn” chiêng bay mất”.
Còn nghệ nhân K’tang ở bon N’jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng được bà con khen ngợi về biệt tài chỉnh sửa các bộ cồng chiêng bị "lạc âm, tịt âm".
Nghệ nhân K’tang cho biết: Nhiều người đánh chiêng giỏi nhưng không phân biệt được tiếng chiêng cao hay thấp, có khi cả chiêng mẹ và chiêng con phát ra cùng một âm thanh mà vẫn không biết nên âm thanh dàn chiêng không thanh thoát. Chỉnh sửa chiêng là làm sao tìm lại đúng âm thanh ban đầu nên nghệ nhân phải có cái tâm, cố gắng hết sức vì nếu làm hư chiêng, người ta bắt đền. Một cái chiêng phải đổi bằng hai con trâu mà.
Chiêng sau khi chỉnh xong phải được “nghiệm thu”, tức mời người biết nghe, thường là các già làng đến thẩm định. Hễ các già làng nói đã đúng tiếng thì chiêng đã hết “bệnh”, nếu lắc đầu là chiêng chưa “khỏe”, phải chỉnh tiếp.
Có thể thấy, nếu không có đội ngũ nghệ nhân chỉnh chiêng thì những bộ cồng chiêng bị “lạc âm, tịt âm” sẽ không phát huy được hiệu năng và đành bỏ đi. Đặc biệt, từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì việc gìn giữ cồng chiêng càng được chú trọng. Do đó, thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ tỉnh”, ngành Văn hóa đã tiến hành cấp phát 150 bộ cồng chiêng cho các bon làng trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong quá trình cấp phát đã và đang nảy sinh một số vấn đề như phần lớn cồng chiêng được cấp phát thường “xuống âm” nhanh hơn những bộ cồng chiêng cổ của đồng bào lưu truyền từ hàng trăm năm nay. Vì vậy, khi cồng chiêng bị “xuống âm”, nghĩa là âm thanh không chuẩn thì phải cần được chỉnh âm lại.
Thế nhưng, theo giới chuyên môn, ở tỉnh ta những người biết chỉnh chiêng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, nên việc chỉnh chiêng đang gặp không ít khó khăn. Đây cũng là một điều trăn trở lớn không riêng gì đồng bào các dân tộc bản địa mà còn đối với công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức rõ vấn đề trên, thời gian qua, ngành Văn hóa cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc mở các lớp nâng cao năng lực nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ và chỉnh chiêng. Tại các lớp học, những nghệ nhân giỏi, nổi tiếng có biệt tài chỉnh chiêng ở các bon làng được mời để truyền lại những “bí kíp” chỉnh sửa cồng chiêng, thu hút đông đảo học viên tham gia.
Báo Đắk Nông