Phụ nữ dân tộc Khmer huyện Giang Thành (Kiên Giang) có thêm việc làm và thu nhập từ nghề đan đệm bàng truyền thống. Ảnh: Lê Sen – TTXVN |
Anh Lê Văn Tú, cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Giang Thành cho biết, những năm qua, ngân hàng tích cực triển khai nguồn vốn, hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer vùng biên giới Giang Thành phát triển kinh tế gia đình. Phần lớn nông dân vay vốn thực hiện nhiều mô hình kinh tế sinh lợi như: chăn nuôi bò, lợn, gà, vịt, nuôi tôm, cá, trồng lúa, hoa màu,… Nhiều hộ gia đình thực sự thoát nghèo, vươn lên khá giàu, cuộc sống ổn định và ngày càng được cải thiện. Trước đây, gia đình chị Thị Chành Thu, ở ấp Tà Teng, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành chỉ sống bằng nghề độc canh cây lúa rất bấp bênh, cuộc sống thiếu trước, hụt sau và thuộc diện hộ nghèo. Được Chi Hội Phụ nữ ấp Tà Teng hướng dẫn, chị Thu học hỏi kỹ thuật chăn nuôi bò và đan giỏ bàng để có việc làm lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đầu năm 2016, gia đình chị Thu được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Giang Thành cho vay 30 triệu đồng. Với nguồn vốn này, chị Thu mua 2 con bò cái giống nuôi và nguyên liệu cỏ bàng về đan giỏ. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò và đan giỏ bàng kết hợp với sản xuất lúa vụ mùa hàng năm mà chỉ sau hơn 2 năm, kinh tế gia đình của chị Thu vươn lên khá giàu. Chị Thu phấn khởi nói: “Nhờ đồng vốn vay ngân hàng mà gia đình tôi thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn trước đây nhiều. Với nghề đan sản phẩm giỏ bàng truyền thống, hàng tháng gia đình thu nhập ổn định 3 - 5 triệu đồng trang trải cuộc sống. Riêng nuôi bò đã sinh sản 2 bò con, nuôi 1 năm bán hơn 25 triệu đồng và đàn bò đang tiếp tục phát triển.” Tương tự, gia đình chị Thị Đấp ở cùng địa chỉ trên cũng thuộc diện hộ nghèo khó khăn. Mặc dù có 10 công đất nhưng nhiễm phèn nặng, sản xuất hàng năm không đem lại hiệu quả, kinh tế gia đình chật vật, cuộc sống thiếu thốn mọi bề. Qua các lần tham dự họp, chị Thị Đấp được cán bộ Hội phụ nữ xã Phú Lợi vận động, tuyên truyền và khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, tận dụng thời gian nhàn rỗi làm thêm nghề phụ để phát triển kinh tế, cải thiện mức sống. Năm 2016, được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Lợi giới thiệu, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Giang Thành cho hộ gia đình chị Thị Đấp vay 30 triệu đồng. Chị Thị Đấp cho biết: “Tôi mua 2 con bò giống nuôi 25 triệu đồng, còn 5 triệu làm chuồng bò và mua nguyên liệu cỏ bàng về đan giỏ. Mấy con bò hiện nay phát triển rất tốt, trị giá hàng chục triệu đồng. Đan sản phẩm giỏ bàng bán cho xuất khẩu, hàng tháng thu nhập thêm khoảng 3 triệu đồng. Gia đình thoát nghèo, xóa hộ nghèo, cuộc sống thoải mái vươn lên, không còn chật vật, khó khăn như trước đây.” Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi bò, nhất là nuôi bò vỗ béo và đan sản phẩm cỏ bàng truyền thống ở huyện Giang Thành phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình đồng bào dân tộc Khmer vùng biên. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp huyện biên giới này đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức những lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, làm cầu nối vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, hướng dẫn bà con sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Các hội viên nông dân, phụ nữ tích cực lao động sản xuất, tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm thêm nghề phụ, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer vùng biên huyện Giang Thành giảm theo từng năm, hiện chỉ còn trên dưới 500 hộ nghèo và cận nghèo. Chị Lê Ngọc Tiên, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, cho biết công tác phối hợp giữa Hội Phụ nữ xã với Ngân hàng Chính sách Xã hội rất chặt chẽ, xét cho các hộ dân vay vốn thực hiện đúng quy định; trong đó, chú trọng hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo được vay vốn phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo. Phần lớn các hộ dân sử dụng đúng mục đích vốn vay, sinh lợi, mang lại hiệu quả như: nuôi bò sinh sản, vỗ béo bán bò thịt, đan đát các sản phẩm từ cỏ bàng bán cho xuất khẩu,… Hàng năm, xã Phú Lợi có khoảng 20 - 30 hộ đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo có cơ hội, điều kiện vươn lên khá giàu chính đáng. Anh Lê Văn Tú, cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Giang Thành cho biết, hàng năm, các cấp Hội nông dân, Hội Phụ nữ,… huyện Giang Thành giới thiệu hơn 600 lượt hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo vùng biên giới vay vốn để sản xuất, chăn nuôi và làm nghề đan đát truyền thống. Chỉ sau từ 1 - 2 năm vay sử dụng đồng vốn đúng mục đích và sinh lợi, nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo thoát nghèo, trả vốn vay khi đáo hạn và tiếp tục đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới, các cấp Hội nông dân, Hội Phụ nữ huyện Giang Thành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Giang Thành hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer nghèo vùng biên vay vốn. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là sử dụng đồng vốn đúng mục đích, sinh lợi trong phát triển kinh tế gia đình, nhân rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới.
Lê Huy Hải