Vĩnh Phúc ưu tiên nguồn lực cho phát triển giáo dục

Học sinh THPT tìm kiếm thông tin liên quan đến kì tuyển sinh Đại học năm 2023 trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh Đại học năm 2023 được tổ chức tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN
Học sinh THPT tìm kiếm thông tin liên quan đến kì tuyển sinh Đại học năm 2023 trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh Đại học năm 2023 được tổ chức tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Tỉnh Vĩnh Phúc đang ưu tiên nguồn lực đầu tư, đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu tại các cơ sở giáo dục để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Theo đó, giai đoạn 2023-2025, tỉnh dành trên 7.646 tỷ đồng để bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; phấn đấu đến năm 2025 có 70% số trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư cho các trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, sau đó nâng dần lên mức độ 2; khuyến khích các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục sắp xếp danh mục đầu tư, tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, phấn đấu đạt tỷ lệ trường chuẩn quốc gia (mức độ 1, 2). Tỉnh từng bước xây dựng các công trình phục vụ giáo dục theo kiểu mới, hiện đại, tiên tiến ở những nơi có điều kiện; trang bị công nghệ thông tin, phần mềm thực hiện chuyển đổi số ngành giáo dục. Vĩnh Phúc sẽ xây dựng trường lớp học, phòng học bộ môn, công trình phụ trợ các cấp học từ Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông; xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; mua sắm thiết bị dạy học các cấp, các bậc học.

Vĩnh Phúc ưu tiên nguồn lực cho phát triển giáo dục ảnh 1Học sinh THPT tìm kiếm thông tin liên quan đến kì tuyển sinh Đại học năm 2023 trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh Đại học năm 2023 được tổ chức tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Năm 2023, tỉnh tập trung xây dựng đủ phòng học, nhà học bộ môn còn thiếu; cải tạo, sửa chữa các công trình giáo dục đăng ký chuẩn quốc gia, đã hết niên hạn sử dụng; chuyển địa điểm một số trường học; mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu các khối lớp 2, 3, 6, 7, 10; mua sắm thiết bị dùng chung, bàn ghế lớp học, thiết bị phòng học bộ môn và phòng chức năng, thiết bị dành cho hoạt động ngoài trời, thiết bị nhà bếp; thí điểm trang bị thiết bị tiên tiến, hiện đại, thiết bị công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số.

Giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh cải tạo, sửa chữa, xây mới các công trình giáo dục, đáp ứng đủ nhu cầu dạy - học; tiếp tục chuyển địa điểm một số trường học; mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu các khối lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12; tiếp tục mua sắm bổ sung thiết bị trường học; mở rộng các thiết bị tiên tiến, hiện đại; trang bị phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin thí điểm thực hiện chuyển đổi số rộng rãi trong ngành giáo dục.

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 485 trường công lập, trong đó có 163 trường Mầm non, 145 trường Tiểu học, 16 trường Liên cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở, 132 trường Trung học Cơ sở, 29 trường Trung học Phổ thông và 8 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục, nhất là đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các bậc học của tỉnh cao hơn từ 10-30% so với mức bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, do gia tăng dân số cơ học và nhiều trường học xây dựng đã lâu, xuống cấp, tỉnh đang thiếu hơn 2.900 phòng học và phòng bộ môn.

Nguyễn Thảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm