Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án, đồng thời ban hành chính sách và tuyên truyền, khuyến khích người dân tại cộng đồng dân cư phát huy nội lực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 55 nghìn người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày, Mường, Nùng… Đến nay, Vĩnh Phúc không còn xã đặc biệt khó khăn, 37/40 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người tại xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt 37,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,7%.
Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc trên tất cả các mặt như tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng, hỗ trợ sản xuất thông qua chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tạo động lực phát triển bền vững.
Trước đây, gia đình anh Lương Văn Man, thôn Phân Lân Hạ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo là hộ nghèo trong thôn. Năm 2010, từ nguồn vốn vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo, anh Lương Văn Man đầu tư mua bò, phát triển chăn nuôi. Với sự giúp đỡ từ chính quyền về kĩ thuật chăn nuôi, đàn bò của gia đình anh Man sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, gia đình anh Man đã thoát nghèo, thu nhập ổn định và có tích lũy, trả hết nợ ngân hàng.
Sau khi thoát nghèo, năm 2014, anh Man tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo cho vay 50 triệu đồng đầu tư mô hình trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi trên diện tích đất khoảng 2ha. Đến nay, gia đình anh Man đang trồng khoảng 300 gốc bưởi diễn, 100 gốc cây cam đường, 120 gốc nhãn và 300 gốc mít. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ xây nhà cho cán bộ, người lao động có thu nhập thấp, chưa có nhà ở của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo, anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Tân Tiến, xã Đạo Trù đã xây dựng ngôi nhà mới khang trang, thay thế ngôi nhà cũ xuống cấp.
Ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ khó khăn trong xã đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế, không ít hộ trở nên khá, giàu. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 3,2%.
Cùng với việc chăm lo ổn định đời sống kinh tế, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm triển khai đồng bộ chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa. Đến nay, 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở được kiên cố hóa, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, 100% thôn, bản có nhân viên y tế.
Vĩnh Phúc chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: Hát soọng cô (dân tộc Sán Dìu) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hát sình ca (dân tộc Cao Lan); các lễ hội truyền thống Lễ hội xuống đồng (dân tộc Cao Lan), lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Sán Dìu...
Bên cạnh chính sách chung của Nhà nước, Vĩnh Phúc đã có chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; hỗ trợ học phí cho con em người dân tộc; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là đồng bào dân tộc có nhu cầu học; hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Tỉnh vừa triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đầu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm mỗi năm, đến năm 2024 còn dưới 1%, đến hết 2025 phấn đấu bằng tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh đặt mục tiêu tất cả các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có hệ thống đường giao thông được rải nhựa hoặc bê tông hóa; đường giao thông nội đồng được cứng hóa toàn bộ; 100% trường, lớp học, trạm y tế tại các xã, thôn được xây dựng kiên cố và đạt chuẩn; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia bảo hiểm y tế; tất cả phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 7%. Vĩnh Phúc cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.
Nguyễn Thảo