Trăn trở trước vốn văn hóa của người dân tộc Sán Dìu đang dần mai một, từ hơn 20 năm nay, ông Lê Đại Năm (sinh năm 1965), xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã âm thầm, lặng lẽ tìm hiểu, sưu tầm, gìn giữ những phong tục truyền thống và truyền dạy lại những câu hát Soọng cô nhằm gìn giữ hồn cốt văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đến thôn xã Đạo Trù hỏi người dân về nghệ nhân Lê Đại Năm, hầu như ai cũng biết và nhiệt tình chỉ dẫn. Đón khách với gương mặt rạng rỡ và nụ cười hiền hậu, ông Năm niềm nở mời chúng tôi vào gian phòng khách nhỏ, nơi có đủ những cuốn sách về văn hóa dân tộc Sán Dìu, đặc biệt là những bản thảo viết tay về những bài hát Soọng cô do chính ông sáng tác. Ông Năm cho biết, những cuốn sách, bản thảo này là tâm huyết của cả đời ông.
Rót chén nước mời khách, ông Năm tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở mảnh Đạo Trù - nơi có đông đồng bào Sán Dìu cư trú, từ năm 10 tuổi, ông theo các anh, chị trong làng đến các thôn, bản có đồng bào dân tộc Sán Dìu hát giao duyên. Những cuộc hát Soọng cô kéo dài từ làng này sang thôn khác đã nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm sâu nặng của ông dành cho văn hóa của dân tộc mình.
Cũng như nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc khác, theo thời gian, những bài hát Sọng cô dần bị mai một và quên lãng. Điều này luôn khiến ông Năm trăn trở, đau đáu bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình sẽ bị thất truyền. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời đã tạo động lực cho ông Năm thực hiện mong ước của mình.
Năm 2010, ông xin thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô khu phố Chợ. Ông đi đến từng nhà, vận động những người có tuổi còn nhớ và hát được Soọng cô tham gia câu lạc bộ. Rồi ông lại lặn lội đi từ làng này sang làng khác, tỉnh này đến tỉnh khác, tìm gặp các già làng, trưởng thôn còn nhớ và am hiểu về các hát Soọng cô để ghi chép lại và về truyền dạy lại cho các thành viên trong câu lạc bộ do ông làm chủ nhiệm.
Cứ vào những tối 16 âm lịch hàng tháng, góc sân nhà của ông Năm lại vang lên những câu hát trữ tình đằm thắm, mượt mà, tươi sáng của làn điệu Soọng cô. Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông, nhiều người từ sự yêu thích, say mê đã ngày càng hát hay, múa giỏi. Để các thành viên trong câu lạc bộ thành thục và am hiểu hơn về hát Soọng cô, ông Năm thường xuyên đưa Câu lạc bộ đi giao lưu, tham gia các hội diễn, liên hoan trong và ngoài tỉnh. Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông, nhiều người từ sự yêu thích, say mê đã ngày càng hát hay, múa giỏi. Lúc mới thành lập chỉ với 35 thành viên đều là những người trung tuổi, đến nay, Câu lạc bộ hát Soọng cô khu phố Chợ do ông Năm làm chủ nhiệm đã có 65 thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia.
Với mong muốn góp phần gìn giữ bản sắc riêng của đồng bào Sán Dìu, để điệu hát Soọng cô mãi duy trì trong đời sống văn hóa cộng đồng, ông Năm đã tự học hỏi, sưu tầm, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm thơ, ca, truyện cổ, các làn điệu Soọng cô với mong muốn dành cho con cháu sau này. Hàng trăm bài dân ca do ông tự sáng tác để phục vụ đời sống tinh thần cho bà con trong thôn. Các tác phẩm của ông được in sách hoặc tài liệu để phát miễn phí cho người có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa dân tộc. Gần đây, ông xuất bản được hai tập sách: Sưu tầm biên dịch các bài hát Thềnh Sèn Cô của dân tộc Sán Dìu ra tiếng phổ thông và sáng tác hát giao duyên lời mới (2015); Sưu tầm biên dịch và sáng tác dân ca Sán Dìu (2019), do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phát hành.
Không chỉ sáng tác, dịch thuật các bài hát Soọng cô, ông Lê Đại Năm còn đau đáu nỗi niềm gìn giữ, bảo tồn tiếng nói dân tộc Sán Dìu. Ông đứng ra tổ chức các lớp học tiếng Sán Dìu miễn phí cho thanh, thiếu niên tại địa phương. Ông Năm cho biết: Phần lớn thanh, thiếu niên khi đến với lớp học của ông nói đều không nói được tiếng Sán Dìu. Lúc mới học, ông dạy từ những âm dễ, lồng kể các câu chuyện dân gian và danh ngôn của người Sán Dìu để các em thêm yêu thích tiếng của dân tộc mình. Xen kẽ những tiết học, ông tranh thủ dạy cho thanh, thiếu niên hát dân ca Soọng cô. Hiện nay, lớp học của ông được duy trì thường xuyên, thu hút được nhiều bạn trẻ không chỉ trên địa bàn mà còn ở các xã lân cận theo học.
Say sưa tìm tòi, sưu tầm văn hóa truyền thống của người Sán Dìu, ngôi nhà nhỏ của ông Lê Đại Năm được đặt làm Trung tâm nghiên cứu bào tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu. Đây là một địa chỉ tin cậy mà các cơ quan quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh tìm đến khi muốn nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu.
Năm 2018, hát “Soọng cô của người Sán Dìu” ở Vĩnh Phúc đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là vinh dự và động lực để ông Lê Đại Năm tiếp tục cống hiến cho việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Lê Đại Năm cho biết: từ nhiều năm nay, ông bắt đầu đào tạo và tìm người có thể thay mình tiếp tục bảo tồn những văn hóa của người Sán Dìu. Hiện tại, sức khỏe vẫn còn, bản thân ông sẽ tiếp tục công việc sưu tầm và truyền dạy văn hóa dân tộc Sán Dìu cho thế hệ trẻ để kế thừa, gìn giữ di sản văn hóa truyền thống của cha ông, tránh nguy cơ bị mai một.
Ông Ngô Văn Khoa, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: những sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy văn hóa Sán Dìu, đặc biệt là hát Soọng cô của ông Lê Đại Năm đã đóng góp trong việc bảo tồn văn hóa Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Mới đây, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã có nghị quyết về hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ dân ca tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có hát Soọng cô. Đây sẽ là động lực để những nghệ nhân như ông Năm và câu lạc bộ hát Soọng cô ở Đạo Trù tiếp tục phát bảo tồn các truyền thống văn hóa dân tộc.
Với những đóng góp, cống hiến của mình, năm 2015 ông Lê Đại Năm vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2017, ông Năm được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen tại Lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất.
Nguyễn Thảo