Vĩnh Phúc hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân nông thôn

Vĩnh Phúc hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân nông thôn
Trong năm 2019, Vĩnh Phúc tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp cho 976 lao động và đào tạo dưới 3 tháng cho 170 lao động, trong đó có nghề nông nghiệp với 570 lao động, nghề phi nông nghiệp 576 lao động, được phân bổ chi tiết cho từng huyện, thành phố đảm bảo chỉ tiêu dạy nghề cho người khuyết tật chiếm ít nhất 10% và lao động nữ chiếm ít nhất 40% chỉ tiêu. Mục tiêu sau đào tạo sẽ có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Đối tượng học nghề bao gồm lao động nữ, người khuyết tật, lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi đối với nam, đến 55 tuổi đối với nữ) có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người khuyết tật; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động nữ bị mất việc làm.

Đối tượng hỗ trợ; nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ; nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ học nghề cụ thể cho từng đối tượng thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Mức hỗ trợ chi phí đào tạo cụ thể cho từng đối tượng căn cứ vào mức chi phí đào tạo của từng nghề đã được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không vượt quá mức hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng quy định tại Khoản 1,2,3,4,5 Điều 4 Chương II Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể người khuyết tật: Mức tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học. Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ mức tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học. Người thuộc hộ cận nghèo mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khác không thuộc các đối tượng nêu trên mức tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học.Trường hợp người học đồng thời thuộc các đối tượng nêu trên chỉ được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất. Ngoài ra, các đối tượng được đào tạo nghề còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại…

Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc còn đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã đưa được hơn 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 1.000 lao động được hỗ trợ chi phí xuất khẩu lao động theo Nghị quyết HĐND tỉnh với số tiền hơn 10 tỉ đồng; 465 hộ gia đình và người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; hơn 1.700 gia đình và người lao động được vay số tiền trên 66,6 tỉ đồng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.

Năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 2.000 lao động xuất khẩu làm việc tại các thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; tham gia vào các lĩnh vực sản xuất như cơ khí, chế biến thực phẩm, điện tử; may mặc, nông nghiệp…
Nguyễn Trọng Lịch
TTXVN

Có thể bạn quan tâm