Nhiều hộ gia đình ở xã Vĩnh Phong (Bảo Lâm) phát triển chăn nuôi bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế. |
Trước hết, xã chú trọng công tác tuyên truyền vận động bà con thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống, đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi bò vỗ béo. Năm 2010, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm hỗ trợ xã phát triển mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản theo hình thức cho vay với lãi suất thấp. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn mua từ 1 - 3 con bò cái sinh sản để phát triển đàn. Do chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay đàn bò nhiều hộ tăng từ 10 - 15 con, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, nhất là vào mùa đông giá rét, xã đã tích cực vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất trồng cây lương thực cho năng suất thấp sang trồng gần 10 ha cỏ voi. Qua nhiều năm khai thác tốt những lợi thế địa hình và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ nên đàn gia súc của xã tăng theo từng năm. Đến nay, cả xã có 748 con trâu, 1.848 con bò, 19 con ngựa, 245 con dê, trên 2.000 con lợn và trên 11.000 con gia cầm… Bình quân mỗi hộ nuôi 5 - 6 con lợn thịt, 3 - 4 con bò. Nhiều hộ nuôi trên 15 con bò, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2013 xã còn phát triển mô hình chăn nuôi dê, nâng tổng đàn lên trên 500 con. Nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển sản xuất, chăn nuôi nên đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 35%; thu nhập bình quân đầu người 8 triệu đồng/năm.
Ông Anh Văn Chài, xóm Én Nội, là một trong những hộ nghèo chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi bò chủ yếu để làm sức kéo. Nhưng mấy năm gần đây, nhận thấy việc chăn nuôi có hiệu quả kinh tế, tôi đã đầu tư vốn để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, gia đình có trên 20 con trâu, bò; trong đó duy trì nuôi 2 - 3 con bò vỗ béo và 15 - 20 con lợn đen. Từ phát triển chăn nuôi, gia đình tôi đã thoát nghèo, có điều kiện cung cấp cho con ăn học.
Đồng chí Mạc Văn Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phong cho biết: Trong những năm tiếp theo, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tập trung nhân rộng một số mô hình đem lại hiệu quả tốt và hỗ trợ bà con về vốn, con giống, kỹ thuật chăm sóc và cách phòng, điều trị dịch bệnh cho gia súc... Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 25%...
Báo Cao Bằng