Vĩnh Long trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Vĩnh Long trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho các nghệ nhân. Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho các nghệ nhân. Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN

Trong đợt này, tỉnh Vĩnh Long có 15 nghệ nhân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, 14 nghệ nhân thuộc các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: Đờn ca tài tử, xiếc, nhạc lễ, nhạc ngũ âm dân tộc Khmer và 1 nghệ nhân nắm giữ tri thức dân gian về điêu khắc gỗ trầm lục.

Tại buổi lễ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia đối với Tượng Thần Vishnu được phát hiện tại xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.

Tượng thần Vishnu bằng đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ VI-VII, thuộc nền văn hóa Óc – Eo, với dáng đứng, có 4 cánh tay. Tượng có nghệ thuật tạo hình đẹp và quý hiếm, một số chi tiết của tượng tạo nên nét đặc trưng riêng, không bắt gặp ở các tượng khác, biểu hiện qua các yếu tố như: Chóp mũ của tượng có khắc hình hoa nhiều cánh lớn, nhỏ xen kẽ nhau; trang phục có nếp cuộn của “dohti” được buộc và thả tự nhiên, kéo dài, với những nếp gợn, nhún ở gần bệ tượng rất sinh động.
 
Đại biểu chiêm ngưỡng Tượng Thần Vishnu, Bảo vật quốc gia đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN
Đại biểu chiêm ngưỡng Tượng Thần Vishnu, Bảo vật quốc gia đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN

Tượng thần Vishnu ở Vũng Liêm là một tư liệu lịch sử đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam bộ, cũng như lịch sử Việt Nam. Hiện vật đã phản ánh được sự hội tụ, kết tinh trong lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam, Ấn Độ và Đông Nam Á; góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử du nhập của văn hóa, tôn giáo Ấn Độ vào Việt Nam…

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định, việc phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của các nghệ nhân đã và đang cống hiến tài năng, sức lực cho việc khôi phục, duy trì, sáng tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, các di sản văn hóa phi vật thể rất dễ bị mai một, thất truyền và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến dạng, lai căng. Do đó, các cấp, các ngành cần thực hiện các biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa mà các nghệ nhân đã sáng tạo, nắm giữ, lưu truyền, cũng như phát huy giá trị của Bảo vật quốc gia.

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng các ngành, địa phương, bên cạnh thực hiện công tác bảo tồn hữu hiệu cần gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch, tạo nên sản phẩm du lịch mới và độc đáo của tỉnh để thu hút du khách; giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống thông qua chương trình giao lưu văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người biết đến di sản. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp nghiên cứu, gắn hoạt động giáo dục với những di sản văn hóa trên địa bàn, nhằm đưa những giá trị cốt lõi, hồn dân tộc của các di sản văn hóa đến với học sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long mong muốn các nghệ nhân tiếp tục cống hiến trong việc đào tạo, truyền nghề cho thế hệ sau kế thừa những kiến thức, kỹ năng mà nghệ nhân đang nắm giữ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
 
Phạm Minh Tuấn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm