Vĩnh Châu nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Ao tôm của một nông dân ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: Chanh Đa - TTXVN
Ao tôm của một nông dân ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Những năm gần đây, nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ngày càng có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp phát huy hiệu quả. Thông qua các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, các mô hình như nuôi trồng thủy sản, nuôi Artermia, trồng hành tím... đang cải thiện đáng kể đời sống người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, nhất là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Vĩnh Châu nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể  ảnh 1Ao tôm của một nông dân ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Xã Hòa Đông có diện tích nuôi thủy sản, chủ yếu là tôm nước lợ, hàng năm toàn xã thả nuôi khoảng 3.300 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 11.000 - 12.000 tấn tôm nguyên liệu. Nổi bật là Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa với 26 thành viên thả nuôi trên diện tích 66,5 ha. Hợp tác xã chuyên kinh doanh, dịch vụ cung ứng con giống, thức ăn thủy sản, hàng năm luôn mang lại lợi nhuận ổn định cho các thành viên.

Thông qua hợp tác xã, các hộ nuôi tôm đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm dựa trên hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, đem lại doanh thu hàng năm cho các thành viên gần 40 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 11,5 tỷ đồng; đồng thời, giải quyết việc làm cho 90 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 128 triệu đồng/người/năm.

Xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu hiện cũng có 5 hợp tác xã nông nghiệp, hoạt động chính là nuôi tôm, trồng màu và cung ứng dịch vụ liên kết đầu vào cho thành viên hợp tác xã. Trong số đó, nổi bật có hợp tác xã thủy sản Toàn Thắng với 42 thành viên. Hợp tác xã tổ chức các hoạt động dịch vụ liên kết đầu vào (tôm giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản) cho các thành viên với giá thấp hơn so với thị trường; đồng thời liên kết với công ty tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các thành viên. Hợp tác xã hoạt động kinh doanh có hiệu quả khi xác định sản phẩm chủ lực là tôm và cây màu theo tiêu chuẩn VietGAP, ASC thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hộ ông Châu Hoàng Du, nuôi tôm ở xã Vĩnh Hiệp trong thời gian qua đã đầu tư nuôi tôm theo công nghệ cao với mô hình ao trải bạt. Ông Du cho biết, trước đây, ông nuôi tôm theo phương pháp truyền thống là ao đất. Lúc đầu nuôi vẫn có lãi nhưng thời gian gần đây thì không hiệu quả bởi môi trường ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm ngày càng diễn biến phức tạp...

Hai năm gần đây, ông Du đã mạnh dạn đầu tư nuôi ao lót bạt và thấy mô hình này hiệu quả hơn, dễ quản lý hơn, nhất là dịch bệnh trên tôm ít hơn hẳn so với nuôi ao đất rất nhiều. Trên phần đất của mình, ông Du đã đầu tư 3 ao nuôi lót bạt với diện tích 3.600m2, tổng chi phí 1,1 tỷ đồng. Một phần diện tích đất ông sử dụng làm ao lắng. Năm vừa qua, ông đạt lợi nhuận trên 1,3 tỷ đồng, hiệu quả cao hơn nhiều so với nuôi theo mô hình thả nuôi trước đây.

Tại xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu có Hợp tác xã nuôi Artemia (một loại bào xác làm thức ăn cao cấp trong nuôi trồng thủy sản) với 13 thành viên, vốn điều lệ 390 triệu đồn. Hợp tác xã này nhiều năm liên tục có lãi, đem về lợi nhuận ổn định cho các thành viên. Từ năm 2019, Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu có sản phẩm “Trứng bào xác Artemia” được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Mô hình sản xuất Artemia hàng năm có diện tích nuôi khoảng 100 ha, sản lượng thu hoạch từ 6,5 – 7 tấn trứng/năm. Hiện xã Vĩnh Tân đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng bào xác Artemia giữa Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nuôi Artemia Vĩnh Châu và các hợp tác xã Muối – tôm – Artemia, liên kết thu mua, chế biến và xuất khẩu trứng bào xác Artemia khoảng 10 tấn trứng tươi/năm và thu mua khoảng 200 tấn muối, làm dịch vụ cung ứng con giống, vật tư sản xuất Artemia.

Theo ông Trương Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Lạc Hòa, hiện trên địa bàn xã có mô hình sản xuất hành tím cũng đem lại hiệu quả cho nhà nông. Xác định sản phẩm chủ lực là hành tím, Lạc Hòa đã định hướng, hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,... xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dựa trên hợp đồng liên kết tiêu thụ với giá mua sản phẩm ổn định.

Mấy năm gần đây, xã đã xây dựng liên kết giữa hợp tác xã rau màu Hòa Thành và Công ty Quế Lâm, liên kết sản xuất và tiêu thụ bình quân 120 tấn hành tím và 90 tấn rau màu các loại/năm. Ngoài ra, hợp tác xã còn làm dịch vụ cung ứng giống, vật tư, phân bón sản xuất. Doanh thu hàng năm của thành viên trong hợp tác xã là gần 3 tỷ đồng, lợi nhuận 537 triệu đồng và mức thu nhập bình quân mỗi lao động đạt 53,7 triệu đồng/người/năm.

Ông Phan Vĩnh Tùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, thị xã hiện có 2.500 ha nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, năng suất bình quân nuôi đạt rất cao trung bình khoảng trên 16 tấn/ha. Ngoài ra còn có mô hình trồng hành tím, trồng rau trong nhà lưới như: trồng hành tím theo hướng hữu cơ tại Vĩnh Hải, Lạc Hòa với diện tích 200 ha; trồng dưa hấu ứng dụng trải bạt kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt tại xã Vĩnh Hải, thực hiện quy trình ứng dụng màng phủ nông nghiệp kết hợp hệ thống tưới tự động, giúp cây dưa sinh trưởng nhanh, giảm sâu bệnh, chi phí sản xuất và tăng năng suất, sản lượng 60 tấn/ha, giá trị đạt gần 360 triệu đồng/ha...

Từ những mô hình sản xuất tập thể đang được nhân rộng và bước đấu phát huy hiệu quả, các sản phẩm sau thu hoạch của nhà nông được liên kết với thương lái và đại lý thu mua nông sản tại địa phương. Các mô hình kinh tế thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác ở thị xã Vĩnh Châu đã đem lại thu nhập cao cho nhà nông, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống ngày một khá giả hơn.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm