Trong những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tỉnh Sóc Trăng đã tập trung củng cố, nâng chất lượng hoạt động của các tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm, phụ nữ hùn vốn, phụ nữ khởi nghiệp… cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.
Theo bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có hơn 2.500 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm với 42.361 thành viên, 1.466 tổ, nhóm phụ nữ hùn vốn - tương trợ với 24.349 thành viên; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Hiện, tổng dư nợ các nguồn vốn do tỉnh Hội khai thác, quản lý, thực hiện trên 35 tỷ 792 triệu đồng, tổng doanh số phát vay 281 tỷ đồng cho 37.716 hội viên; dư nợ tiết kiệm hơn 15 tỷ đồng; nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho 42.884 hộ vay, dư nợ còn hơn 1.082 tỷ 342 triệu đồng. Từ các nguồn vốn này đã hỗ trợ hàng chục nghìn lượt phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, mở rộng sản xuất kinh doanh, thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939) và Dự án phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ 389 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, trong đó hỗ trợ vốn vay 69 phụ nữ với số tiền 4 tỷ 223 triệu đồng; tổ chức nhiều hoạt động đáp ứng ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp như: Ngày phụ nữ khởi nghiệp, sự kiện kết nối kinh doanh, học tập kinh nghiệm các mô hình làm ăn có hiệu quả, tập huấn, đối thoại giữa nữ doanh nghiệp với chính quyền và các ngành chức năng, truyền thông' duy trì hoạt động các câu lạc bộ, tổ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mua bán nhỏ, các mô hình sản xuất sạch; hỗ trợ phụ nữ đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 139 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 22 sản phẩm do phụ nữ sản xuất: Tôm khô, dưa kiệu, snach khoai lang vị tự nhiên, snach khoai lang vị bơ sữa (tại thành phố Sóc Trăng); mắm sò huyết cồ, tôm gạch (Trần Đề); chuối sấy Xuân Diệu (Long Phú); mứt mận Ngọc Hạnh (Mỹ Tú)…
Để đảm bảo phụ nữ có nguồn thu nhập ổn định, phụ nữ tỉnh đã thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, chuyển giao, khoa học kỹ thuật; tập huấn các nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế (lập kế hoạch kinh doanh, quản lý kinh tế hộ, sử dụng vốn vay); phối hợp mở 584 lớp dạy nghề (may công nghiệp, đan ghế, đan giỏ, thắt lông mi giả...) cho 19.876/16.500 học viên là con em phụ nữ nghèo (vượt hơn 3 lần kế hoạch đề ra). Sau học nghề có hơn 70% học viên có việc làm tại địa phương và các công ty, xí nghiệp ngoài tỉnh…
Trung Hiếu