Vùng giáp ranh giữa Quảng Ngãi - Quảng Nam - Kon Tum dài khoảng 260km, còn nhiều diện tích rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, gồm các loài động, thực vật quý, hiếm nên rừng thường bị xâm hại. Những năm gần đây, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm, chính quyền và người dân khu vực rừng giáp ranh được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt hơn.
Cụ thể, vùng giáp ranh giữa xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) và xã Trà Giáp huyện Nam Trà My (Quảng Nam) có hơn 800ha rừng. Địa hình khu vực giáp danh bị chia cắt mạnh bởi sông, suối, núi cao. Rừng tự nhiên vùng này được xem là tấm chắn xanh bảo vệ cộng đồng, nơi cư trú, sinh trưởng và phát triển của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Rừng còn có chức năng phòng hộ đầu nguồn, cung cấp nguồn nước cho sông Trà Bồng, đập thủy điện Hà Nang, hồ chứa nước Nước Trong của tỉnh Quảng Ngãi.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trà Bồng Phan Cao Thế cho biết, khu vực rừng giáp danh có nhiều tuyến đường mòn nên trước đây các đối tượng lâm tặc đã xâm nhập để săn bắn thú, khai thác lâm sản, gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Từ khi có quy chế phối hợp, lực lượng kiểm lâm 2 huyện đã tăng cường tuần tra, trao đổi thông tin, phối hợp truy quét lâm tặc, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm. Cán bộ kiểm lâm của 2 địa phương cũng tăng cường vận động đồng bào chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ và phát triển rừng.Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho biết, cùng với kiểm lâm, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư gần rừng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng. Để làm tốt công việc bảo vệ rừng giáp danh cần mời cộng đồng dân cư cùng tham gia lực lượng bảo vệ rừng và cần kinh phí hỗ trợ họ. Đồng thời có giải pháp nâng cao mức sống của người dân, tạo sinh kế để họ có thu nhập ổn định từ rừng, từ đó người dân sẽ chung tay cùng lực lượng chức năng để bảo vệ rừng.
Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham thông tin, thời gian qua, việc quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã có chuyển biến tích cực, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đã vào cuộc quyết liệt hơn, số vụ vi phạm giảm. Tuy nhiên, công tác phối hợp quản lý rừng giáp danh đang gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống thông tin liên lạc. Hiện ở xã Đắk Nên chưa có sóng điện thoại nên các lực lượng gặp khó khi trao đổi thông tin cũng như tuyên truyền cho nhân dân vùng giáp danh.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, Quy chế quản lý, bảo vệ rừng giáp danh Quảng Ngãi- Quảng Nam-Kon Tum được ký kết từ năm 2022. Trong 3 năm qua, lực lượng kiểm lâm các tỉnh đã phối hợp tổ chức 569 đợt tuyên truyền trực tiếp với 23.085 lượt người tham gia, tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa 73 đợt với hơn 1.500 lượt người tham gia; tổ chức cho 3.974 hộ dân cam kết bảo vệ rừng. Đồng thời, lực lượng của 3 tỉnh đã phối hợp, tổ chức 769 đợt tuần tra, truy quét tại vùng giáp ranh, phát hiện 37 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 2 ô tô, 5 cưa xăng và hơn 77m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách gần 800 triệu đồng. Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho nhân dân đã được các bên phối hợp triển khai có hiệu quả.
Bên cạnh những thuận lợi, lực lượng kiểm lâm vẫn gặp khó khăn nhất định, đặc biệt là vào mùa mưa, bão. Hiện biên chế kiểm lâm cả 3 tỉnh đều thiếu; tình trạng người dân xâm canh, xâm cư vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khó khăn khi xử lý vi phạm. Ngoài ra, ở vùng giáp ranh chủ yếu là đồng bào sinh sống, đời sống còn khó khăn, phương thức canh tác chủ yếu là phát nương làm rẫy, đời sống còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho rằng, trong thời gian tới, lực lượng chức năng 3 tỉnh được giao quản lý rừng giáp danh cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quy chế phối hợp; thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin, tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét bảo vệ, giữ vững rừng khu vực vùng giáp ranh. Chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân bằng nhiều hình thức, nhằm tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức, hành động; huy động cộng đồng dân cư tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Các đơn vị liên quan cần hỗ trợ về nhân lực, phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong việc ngăn chặn, truy bắt và điều tra xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp về rừng, đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân giữa các địa phương.
Phạm Cường