Chiều 28/10, tại thành phố Kon Tum, Ủy ban nhân dân ba tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh ba tỉnh Kon Tum – Quảng Nam – Quảng Ngãi.
Từ tháng 10/2020 đến giữa tháng 9/2022, các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, Chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm ba tỉnh Kon Tum - Quảng Nam - Quảng Ngãi đã tổ chức được 1.227 đợt tuần tra, truy quét các đối tượng xâm hại đến tài nguyên rừng tại vùng giáp ranh. Qua đó, phát hiện 98 vụ vi phạm lâm luật, xử lý hình sự 6 vụ, tịch thu trên 158 m3 gỗ các loại, 31 cá thể động vật hoang dã, 38 kg sản phẩm động vật hoang dã, 3 ô tô 2 xe máy; 8 cưa xăng, 2 khẩu súng tự chế…
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm ba tỉnh cũng đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, Luật Lâm nghiệp cho nhân dân vùng giáp ranh tổng số 542 đợt với gần 26.600 lượt người dân tham gia.
Các tỉnh Kon Tum - Quảng Nam - Quảng Ngãi có ranh giới liền kề, với chiều dài khoảng hơn 260 km, có điều kiện đi lại khó khăn.
Tới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đề nghị ba tỉnh cần tăng cường tuyên truyền về bảo vệ rừng cho người dân sinh sống ở khu vực giáp ranh; cần ứng dụng công nghệ thông tin vào trong trao đổi thông tin.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị, để quản lý, bảo vệ rừng đạt được kết quả cao, cần xem đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị của các tỉnh.
Về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tháp cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn nữa và chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương vùng giáp ranh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng cho nhân dân khu vực vùng giáp ranh bằng nhiều hình thức; kiện toàn lực lượng kiểm lâm và lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của các đơn vị chủ rừng.
Bên cạnh đó, các bên xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh; tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ rừng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng…
Tại Hội nghị cũng tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Kon Tum – Quảng Nam – Quảng Ngãi giai đoạn 2022 – 2024 để tăng cường thực hiện, nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng.
Trước đó, tháng 10/2020, Chi cục Kiểm lâm ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum ký kết quy chế nhằm tăng cường phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh. Sau khi ký kết, Hạt Kiểm lâm của ba tỉnh đã tăng cường, thường xuyên trao đổi thông tin kịp thời cho nhau trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
Quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Kon Tum – Quảng Nam – Quảng Ngãi giai đoạn 2022 – 2024 đề ra mục đích tăng cường phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm ba tỉnh nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, toàn diện; tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ đối với các phòng chuyên môn, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn trong quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
Việc trao đổi thông tin được thực hiện thường xuyên giữa Lãnh đạo của ba Chi cục Kiểm lâm hoặc thông qua các phòng chuyên môn, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh, Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã. Thông tin đảm bảo chính xác, kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Kiểm lâm.
Quy chế cũng nêu rõ, Lực lượng Kiểm lâm ba tỉnh Kon Tum - Quảng Nam - Quảng Ngãi thường xuyên phối hợp chủ rừng và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng tại vùng rừng giáp ranh của ba tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất và tiến tới không để xảy ra các hành vi vi phạm về lâm nghiệp tại khu vực rừng giáp ranh.
Trong trường hợp hành vi vi phạm, gây hậu quả đối với rừng của nhiều địa phương liền kề thì thẩm quyền xử phạt thuộc về địa phương bị thiệt hại về rừng nhiều nhất trong vụ vi phạm; trường hợp trong quá trình tuần tra, truy quét một bên phát hiện vi phạm quả tang, nếu phải truy đuổi thì không giới hạn ranh giới hành chính và yêu cầu bên kia phối hợp hỗ trợ bắt giữ kịp thời và tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm, đồng thời giao người, phương tiện và tang vật cho bên truy đuổi xử lý. Riêng đối với trường hợp khẩn cấp như cháy rừng hoặc vụ việc đang xảy ra cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm thì Lãnh đạo cơ quan Kiểm lâm sở tại và Kiểm lâm viên đang làm nhiệm vụ có trách nhiệm làm việc với lãnh đạo trực tiếp của đơn vị Kiểm lâm bên kia để được hỗ trợ.
Dư Toán