Chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách đột phá của Nhà nước, từng bước đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ gìn, bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.
Giúp dân tăng thu nhập
Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum chia sẻ, cách đây 10 năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum được thành lập nhằm huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ, phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng hiện có và phát triển rừng mới; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng; góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp...
Cụ thể, 10 năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã rà soát, trực tiếp ký 56 hợp đồng với 56 cơ sở phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tổng số tiền đã giải ngân hơn 1.685 tỷ đồng, tập trung chi cho gần 3.400 hộ gia đình cá nhân, 49 cộng đồng dân cư thôn cùng 32 chủ rừng tổ chức và 75 UBND các xã, thị trấn được Nhà nước giao đất, giao rừng quản lý bảo vệ. Nhờ nguồn thu nhập từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, người dân đã có thêm thu nhập.
Anh A Tuấn ở xã Đăk Ui huyện Đăk Hà cho biết, tham gia bảo vệ rừng tại địa phương giúp gia đình có thêm nguồn thu hơn 10 triệu đồng/năm để đầu tư thêm vào trồng 2 ha cây cà phê, cây ăn quả và 2 sào ruộng. Anh Tuấn đã có thêm nguồn thu nhập bền vững và từng bước vươn lên trở thành hộ khá trong vùng.
Tại xã Đăk Pxi huyện Đăk Hà, nguồn quỹ chi 50% cho quản lý, bảo vệ rừng; 30% lập quỹ tạo sinh kế cho các thành viên vay vốn phát triển kinh tế... Anh A Sáo, làng Kon Pao Kla xã Đăk Pxi huyện Đăk Hà cho biết, từ nguồn Quỹ của làng, có trên 10 hộ dân trong làng đã vay vốn đầu tư chăn nuôi bò, dê, lợn sọc dưa. Cách đây 3 năm, anh Sáo vay 10 triệu mua bò giống và giờ bò đã sinh sản thành 3 con nên gia đình rất mừng vì đã có tài sản giá trị.
Theo ông Hồ Thanh Hoàng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến đời sống của hàng nghìn người làm nghề rừng, cuộc sống được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là cộng đồng dân cư thôn, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Trung bình, mỗi năm thu nhập của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, đạt gần 6 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 68 triệu đồng/cộng đồng/năm. Những năm qua, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng dần chuyển từ hộ gia đình sang cộng đồng dân cư thôn, làng. Nhờ đó, phát huy tốt vai trò của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng.
Người dân có quyền lợi, nghĩa vụ trong quản lý, bảo vệ rừng, từng bước hình thành nhận thức về tầm quan trọng của rừng trong cộng đồng. Người dân xem bảo vệ rừng như bảo vệ nhà. Tham gia bảo vệ rừng, người dân được cải thiện đời sống, tăng giá trị hưởng lợi trực tiếp từ rừng.
Lan tỏa yêu thương
Những năm qua, thực hiện Kế hoạch truyền thông "Đồng hành cùng em đến trường", Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã in ấn thông điệp truyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng lên bìa vở, mũ cấp cho học sinh.
Theo đó, đã có hơn 1,8 triệu cuốn vở, 10.000 cái mũ gắn thông điệp quản lý, bảo vệ rừng được phát đến các em học sinh ở các xã, thị trấn nằm trong vùng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Những thông điệp trên được in ngắn gọn, dễ đọc, hiểu. Các cuốn vở đã tiếp bước cho học sinh vùng sâu, vùng xa được đến trường.
Thầy Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) cho biết, bình quân mỗi em học sinh tiểu học được cấp 7 cuốn vở đảm bảo đủ cho các em học hết cả năm. Đây là sự ủng hộ, giúp đỡ quý của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho các em học sinh khó khăn mỗi khi bước vào năm học mới trong những năm qua. Thông điệp in trên tập vở giúp các em hiểu hơn về giá trị của việc bảo vệ và phát triển rừng; góp phần đã lan tỏa ý thức và trách nhiễm mỗi người trong việc bảo vệ rừng.
Trong 5 năm qua, Quỹ đã tình nguyện giúp đỡ xã Văn Lem, xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Tô. Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được cán bộ, công chức, viên chức nơi đây triển khai hiệu quả; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế hộ.
Lợi ích từ việc tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đã giúp cải thiện đời sống của buôn, làng ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tiền dịch vụ môi trường rừng, các cộng đồng dân cư thôn được sử dụng vào mục đích chung của cộng đồng, có sự thống nhất của toàn thể người dân trong thôn, làng.
Ngoài việc chi trả công cho tổ tuần tra, bảo vệ rừng, nguồn thu của thôn, làng còn chi cho việc chung của cộng đồng như sửa nhà rông, hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn... Cùng đó, dành một phần số tiền này để hình thành quỹ phát triển sinh kế trong các cộng đồng dân cư, giúp các hộ dân trong cộng đồng có nhu cầu vay để phát triển kinh tế hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Thời gian tới, Quỹ sẽ chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của các chủ thể tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tích cực huy động các nguồn thu để đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho bảo vệ và phát triển rừng của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng…
Cao Nguyên