Ngày 20/6, tại Gia Lai, UBND các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên và Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng giáp ranh giữa 4 tỉnh.
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các Quy chế phối hợp đã được ký kết giữa 4 tỉnh; đồng thời ký kết các Quy chế phối hợp mới phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh có vùng rừng giáp ranh.
Gia Lai nằm ở phía Bắc vùng Tây Nguyên, giáp ranh với 5 tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi. Trong đó, vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk có chiều dài 418 km, trải dài qua nhiều huyện. Phần lớn diện tích rừng nằm ở địa thế, địa hình phức tạp, hiểm trở; điều kiện về cơ sở vật chất, thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều hạn chế do vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk nhiều nơi không có điện lưới, sóng điện thoại di động, không đường đi lại.
Bên cạnh đó, các vùng giáp ranh là nơi lưu giữ hệ động thực vật phong phú, có tính đa dạng sinh học cao, hệ thực vật và động vật rất phong phú, đa dạng, nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm.
Đặc biệt, tại đây có Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng (huyện Kbang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) và các Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai); An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định); Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk)…
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các đơn vị, ngành chức năng vùng rừng giáp ranh đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; tích cực vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, không xâm canh, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.
Qua các đợt phối hợp kiểm tra, truy quét tại vùng giáp ranh, các lực lượng phối hợp còn vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân sống trong rừng, ven rừng, các chủ thuyền, xe ô tô thường vận chuyển lâm sản trái phép.
Từ khi ký các Quy chế phối hợp đến nay, lực lượng Kiểm lâm các địa phương đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng tổ chức được 861 đợt tuyên truyền với hơn 31.477 lượt người tham gia; ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với 191 hộ dân tại các xã giáp ranh của 4 tỉnh.
Công tác trao đổi nắm bắt thông tin, tình hình vi phạm; phối hợp xác minh xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cũng được các tỉnh triển khai phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả. Các lực lượng của 4 tỉnh đã tổ chức 1.876 đợt tuần tra, truy quét, phát hiện, xử lý tại khu vực giáp ranh, kịp thời phát hiện 565 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại khu vực giáp ranh, trong đó có 37 vụ hình sự, 528 vụ hành chính, diện tích rừng bị phá 45.470 m2. Lâm sản tịch thu gồm: 613,41 m3 gỗ các loại; 137,734 ster (đơn vị tính thể tích gỗ) và 12.915 kg củi; 24.020 kg gốc, cành nhánh; 500 kg than; 2 cây bằng lăng, 19 cây giáng hương; tịch thu 202 phương tiện, công cụ các loại; xử phạt hơn 2 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp quản lý khu vực giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: khu vực rừng giáp ranh chủ yếu là vùng núi cao, địa hình bị chia cắt nhiều bởi hệ thống các sông, suối, có độ dốc lớn, đi lại rất khó khăn nên công tác tuần tra, bảo vệ rừng gặp nhiều hạn chế.
Hệ thống đường giao thông ngày càng được thông tuyến và mở rộng, trong khi đó khu vực giáp ranh có diện tích rừng lớn, chủ yếu là rừng tự nhiên, các đối tượng xâm hại rừng hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động, vào các ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm, gây khó khăn cho các lực lượng khi thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra truy quét bảo vệ rừng, đặc biệt trong công tác tạm giữ, vận chuyển tang vật, phương tiện vi phạm để xử lý. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để nắm bắt tình hình và tổ chức lực lượng phối hợp ngăn chặn có nơi, có lúc chưa kịp thời, thường xuyên. Mặc khác, do lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng mỏng, chưa tương xứng với diện tích rừng quản lý nên công tác quản lý bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn…
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản rừng giáp ranh, thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường rừng, góp phần ổn định đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng khu vực giáp ranh với các tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành... Các đơn vị chủ động nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại các địa bàn trọng điểm, các vùng giáp ranh có nguy cơ bị xâm hại cao để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm; tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm của các tỉnh giáp ranh; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hiện tượng xâm canh, xâm cư, có biện pháp giải quyết, xử lý đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm.
Quang Thái