Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long với những tác động như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn ngày càng tăng. Nhiều giải pháp được ban hành, từ chính sách của Đảng và Nhà nước đến các nghiên cứu của chuyên gia, nhà khoa học, đối tác quốc tế... Từ đó, tư duy sản xuất của nông dân từng bước thay đổi. Vận hội mới đang đến với vùng đất trù phú này…
Nâng vị thế "Hạt ngọc Trời"
Với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 , hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp phù sa màu mỡ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp. Vùng đất này hiện là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu khi đóng góp tới trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Thông qua dự án, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tiếp cận với những giống lúa tốt, cho năng suất cao, chống chịu tác động của biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu chất lượng cao của thị trường quốc tế. Ảnh: Trọng Chính
Để nâng cao vị thế lúa gạo - “Hạt ngọc trời” của ĐBSCL, nhiều dự án hợp tác, nghiên cứu đã được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện tại đây. Trong số đó, Dự án “Chuỗi giá trị gạo bền vững cho nông hộ nhỏ tại ĐBSCL” với kinh phí 2,6 triệu AUD (Đô la Úc) đến từ Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia và Tập đoàn Sunrice (Australia) thực hiện đã và đang tạo hiệu quả thiết thực, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tín (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ), dự án nhằm mục tiêu thiết lập chuỗi giá trị gạo năng suất cao, bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường xuất khẩu của Sunrice. Thông qua dự án này, nông dân được tiếp cận với những giống lúa tốt, năng suất cao, chống chịu biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Nông dân còn được nâng cao tri thức, thực hành các khâu thu hoạch đúng tiêu chuẩn, giúp giữ được phẩm cấp lúa và giá trị sản phẩm.
Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nông dân nắm được tư duy bán hàng có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Từ đó, lúa gạo - một trong những thế mạnh của ĐBSCL sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, đem lại giá trị thực sự cho người nông dân nơi đây.
Nâng cao đời sống từ con cá tra
Nhắc đến ĐBSCL, không thể không nhắc đến ngành cá da trơn (cá tra). Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ĐBSCL hiện có 5.700 ha diện tích nuôi cá tra (chiếm 0,44% diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước). Dù chỉ với diện tích rất nhỏ nhưng sản lượng cá tra nơi đây chiếm tới 30% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước.
Cá tra thành phẩm trong vùng nuôi của Công ty Nam Việt, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 thế giới, đối tác tư nhân tham gia vào dự án nghiên cứu “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong”. Ảnh: Trọng Chính
Tuy nhiên, ngành cá da trơn tại ĐBSCL đang chịu nhiều tác động từ giá cả vật tư, thức ăn, biến đổi khí hậu… đến thất thoát trong sản xuất, thu hoạch. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm 2023 của ĐBSCL chỉ đạt 1 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022.
Để góp phần giảm khó khăn cho ngành cá da trơn, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển quốc tế Canada (IDRC) đã đồng tài trợ triển khai Dự án “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong”. Theo đó, lần đầu tiên có một cơ quan chủ trì nghiên cứu dự án là đơn vị của Việt Nam - Viện nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp thực hiện cùng Trường Đại học An Giang.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Yến Nhi (Trường Đại học An Giang): “Dự án nhằm nâng cao nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm trong chuỗi giá trị cá tra cho nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất cá tra, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý của Việt Nam, Lào, Campuchia; đồng thời nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm để có thể nhận biết các dấu hiệu thay đổi, dự đoán nhu cầu về biện pháp can thiệp và xây dựng khuyến nghị chính sách cho nhà quản lý, hoạch định chính sách…”. Bắt đầu từ tháng 7/2023 và kết thúc vào 30/6/2026, dự án sẽ có những tác động tích cực lên chuỗi giá trị cá tra ở khu vực.
Với ĐBSCL, cá tra là một trong những nguồn sinh kế quan trọng của nông dân nơi đây. Việc cải thiện quy trình sản xuất, thu hoạch chính là cải thiện đời sống của nông dân nói riêng, của vùng ĐBSCL nói chung trong bối cảnh hiện nay. Lúa gạo cũng như cá da trơn chính là những nhân tố quan trọng đem lại vận hội mới cho vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
Thu Phương