Bài 3: Biến thách thức thành cơ hội phát triển
Băng qua con đường nắng chói chang dẫn vào khu nhà màng thí nghiệm thuộc trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Châu Minh Khôi, Phó Hiệu trưởng trường Nông nghiệp luôn tay chỉ cho chúng tôi từng hàng cây giống đang được trồng thử nghiệm và đánh giá tại đây. Ông cho biết, qua quá trình nghiên cứu, ông và các cộng sự đã tìm ra một vài loại cây trồng có thể đưa vào sản xuất trên nền đất canh tác lúa trong điều kiện hạn mặn. Đây là hành động cụ thể nhằm biến thách thức từ biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế.
Khi hạn mặn ngày càng nghiêm trọng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Châu Minh Khôi, biến đổi khí hậu khiến mực nước biển tăng và thay đổi lượng nước mưa so với trước đây. Điều này dẫn tới tình trạng xâm nhập mặn trong đồng ruộng và khan hiếm nước tưới ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hậu quả là 70% diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn và sản lượng lúa giảm tới 30%, khiến hàng ngàn nông dân mất thu nhập. Nguy hiểm hơn, tình trạng này được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng tới một diện tích canh tác nông nghiệp lớn hơn trong thời gian tới.
Để giải quyết vấn đề này, một dự án mang tên: “Đa dạng cây trồng trên nền đất lúa trong điều kiện nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long” đã được thực hiện với sự tài trợ ngân sách hơn 2,3 triệu AUD từ Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia, thuộc Chương trình viện trợ phát triển của Chính phủ Australia. Đối tác chính phía Việt Nam là Đại học Cần Thơ; Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Châu Minh Khôi, Điều phối viên quốc gia của Dự án cho biết, kéo dài từ năm 2020-2025, dự án có mục tiêu rất thiết thực với tình trạng biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đó là nâng cao năng suất và lợi nhuận của các hệ thống cây trồng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, nâng cao năng lực cho cán bộ và nông dân địa phương để có thể quản lý các hệ thống này một cách hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.
Dự án cũng góp phần đảm bảo các hệ thống sản xuất thực phẩm an toàn và bền vững hơn, bảo vệ sinh kế cho người dân và giúp nâng cao năng lực cho các nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông và các bên tham gia vào quá trình canh tác.
Hiệu quả kinh tế rõ rệt
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Châu Minh Khôi cho biết, quá trình triển khai dự án, ngoài nghiên cứu điều chỉnh lịch thời vụ canh tác, các nhà khoa học đã đưa vào thử nghiệm một số giải pháp khoa học kỹ thuật mới như: Biện pháp phủ rơm mật độ 7 tấn rơm/ha; ứng dụng cảm biến nghiên cứu ẩm độ đất giúp tiết kiệm nước tưới.
Với biện pháp phủ rơm mật độ 7 tấn rơm/ha, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Châu Minh Khôi đánh giá, biện pháp này cho hiệu quả cao về mặt quản lý đất, tăng năng suất cây trồng và khả năng áp dụng khi nguồn rơm rạ rất dồi dào. Các thí nghiệm trên đồng ruộng đã chứng minh lợi ích của việc dùng rơm che phủ đất giúp giảm độ mặn trong đất và nâng cao năng suất cây trồng cạn trong thời điểm nông dân không thể trồng lúa. Việc sử dụng biện pháp phủ rơm cũng giúp hạn chế tình trạng phủ đất bằng mạng nhựa- một phương pháp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi tạo ra rác thải nhựa và phát tán vi nhựa vào đất. Việc sử dụng nguồn rơm phế phụ phẩm nông nghiệp cũng là một cách làm giàu hữu cơ trong nguồn đất vốn đã bạc màu do sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều năm.
Về ứng dụng cảm biến nghiên cứu ẩm độ đất giúp tiết kiệm nước tưới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Châu Minh Khôi cho biết, đây là phương pháp đã được thực hiện tại Australia. Thiết bị cảm biến gồm một chiếc thẻ màu đỏ có tên “Chameleon” cùng một hộp chứa bo mạch cảm ứng cắm xuống khu vực đất cần theo dõi. Tấm thẻ được gắn đèn LED nhỏ có chức năng chỉ dẫn độ ẩm đất: Màu xanh là đất ẩm, màu đỏ là đất khô, cần tưới. Sau đó, dữ liệu về thời điểm tưới tiêu sẽ được đưa vào điện toán đám mây để mở rộng nghiên cứu quản lý rủi ro. Việc sử dụng thiết bị cảm biến “Chameleon” giúp cắt giảm một nửa lượng nước tưới cho cây trồng cạn trong mùa khô trong khi vẫn đảm bảo năng suất và giảm công lao động.
Đến nay, qua nghiên cứu cũng như thử nghiệm thực tế với những ứng dụng trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Châu Minh Khôi cùng các cộng sự nhận thấy, ba giống cây được đưa vào trồng thử nghiệm cho thấy rõ hiệu quả kinh tế khi so với trồng lúa. Lợi nhuận trên một ha ở cây ngô là hơn 20,7 triệu đồng, ở cây dưa hấu là hơn 28 triệu đồng, với cây củ dền là hơn 261 triệu đồng, trong khi ở cây lúa chỉ đạt hơn 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, hai giống cây diêm mạch và đậu đũa cũng bước đầu cho thấy sự thích ứng tốt với điều kiện hạn, mặn.
Nghiên cứu trong thực tế tại nhà màng đã có, thử nghiệm tại Liêu Phú và Long Phú (Sóc Trăng) cũng cho năng suất cao và đạt được hiệu quả về kinh tế, tuy nhiên, phải làm gì để thuyết phục người dân từ bỏ thói quen canh tác truyền thống, hướng tới phương thức canh tác mới tốt cho môi trường đất, đạt hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế? Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Châu Minh Khôi chia sẻ: “Đối với người nông dân, khi muốn họ làm gì mới, phải cho họ thấy được hiệu quả kinh tế thì họ mới áp dụng. Với phương pháp phủ rơm, khi họ thấy trên diện tích áp dụng phương pháp này, chất lượng cây trồng được cải thiện, giảm sâu bệnh hại, giảm chi phí đầu tư cho phân hóa học, nhờ đó, sản phẩm có chất lượng cao, không có dư lượng, được thị trường thế giới chấp nhận, tăng hiệu quả xuất khẩu, giá sản phẩm tăng so với trước, họ sẽ làm. Với ứng dụng cảm biến độ ẩm cũng vậy thôi”.
Trong khuôn khổ dự án “Đa dạng cây trồng trên nền đất canh tác lúa thích ứng với điều kiện hạn, mặn”, nhiều hoạt động thiết thực trong thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được triển khai như: Tập huấn cho cán bộ nông nghiệp, nông dân về tác động của hạn, xâm nhập mặn đối với cây trồng và các phương pháp đo độ mặn trong đất, nước để nông dân tránh không dùng nước mặn tưới; đồng thời, có thể phân tích các rủi ro về hạn mặn. Dự án còn giúp nâng cao năng lực của đội ngũ nghiên cứu – các cán bộ nghiên cứu trẻ được hướng dẫn cách thực hiện các công trình khoa học đa ngành chất lượng cao. Cùng với đó, Dự án còn thực hiện nghiên cứu nhận thức của thanh niên về các áp lực kinh tế, môi trường và xã hội do biến đổi khí hậu và dịch COVID-19 tạo ra, trong đó đặc biệt quan tâm tới nhận thức về vai trò giới, cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên, các hoạt động nông nghiệp trong gia đình và việc ra quyết định.
Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính. Đây là mục tiêu cốt lõi mà những nhà khoa học như Phó Giáo sư, Tiến sỹ Châu Minh Khôi đang thực hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tìm ra những loại cây trồng vừa có giá trị kinh tế, vừa hiệu quả trong bối cảnh thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt sẽ góp phần giúp nông dân đa dạng hóa nguồn thu nhập, đưa nền kinh tế nông nghiệp phát triển ngày càng xanh, bền vững. Đó cũng chính là mục tiêu cốt lõi mà nước ta hướng đến, một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu. (Xem tiếp Bài 4: Nghị quyết 120/NQ-CP: Nghị quyết thuận thiên)
Thu Phương