Trong thời kỳ công nghệ số phát triển như hiện nay, vấn đề lưu giữ, bảo tồn di tích được coi là nhiệm vụ quan trọng với các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Nắm bắt được xu hướng chung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã sớm triển khai dự án ứng dụng công nghệ để số hóa không gian di tích nhằm hiển thị di sản văn hóa trong không gian ảo.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành số hóa và xây dựng bảo tàng ảo 3D với một số hiện vật để công chúng có được trải nghiệm, tương tác với hiện vật. Bảo tàng Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã nghiên cứu và thực hiện thành công việc số hóa các sắc phong được vua ban qua các thời kỳ. Các sắc phong hiện còn, cổ nhất có niên đại từ đời Lê, gần nhất là đời Nguyễn nhưng đều được bảo quản trong điều kiện không đảm bảo nên việc số hóa đã giúp bảo tồn bền vững những di sản vô giá này.
Được sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Italy, Ấn Độ, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thành việc số hóa hơn 1.000 hiện vật cổ. Với việc số hóa này, toàn bộ hiện vật cổ sẽ được bảo quản cẩn trọng hơn và dễ tra cứu, nhất là trong quá trình khôi phục các nhóm tháp trong vùng lõi di sản Mỹ Sơn.
Mới đây, Lăng Tự Đức trong Quần thể Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên – Huế) đã trở thành di sản đầu tiên của Việt Nam được đưa vào bộ sưu tập của Google Arts and Culture giới thiệu trên toàn thế giới. Phiên bản số hóa 3D Lăng Tự Đức chính thức cùng với phiên bản 3D của 29 di sản nổi tiếng thế giới khác được ra mắt công chúng toàn thế giới trong phần thư viện di sản mở (Open Heritage).
Cung An Định - một trong hai điểm được thực hiện bảo tồn kỹ thuật số của CyArk. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN |
Thông qua thư viện kỹ thuật số này, công chúng toàn cầu có thể truy cập để tìm hiểu các di sản và di tích lớn nhất thế giới với hình ảnh, video, câu chuyện, triển lãm số về các các cảnh quan đã được số hóa một cách sống động. Ở Việt Nam, sau Lăng Tự Đức, những di tích khác trong Quần thể di tích Cố đô Huế như Lăng Minh Mạng và Lăng Khải Định có thể sẽ được số hóa để di sản đến gần hơn với công chúng thông qua cách tiếp cận mới.
Trung tâm CVS của Đại học Duy Tân Đà Nẵng (DTU) đã phối hợp cùng Công ty VNi thực hiện dự án số hóa 3D với công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality) với các điểm di tích chính trong di sản. Với công nghệ này, thay vì phải tới tận nơi, các nhà quản lý đã có thể khảo sát từ xa, du khách có thể tham quan ảo trước khi đặt chân tới thực địa.
Cũng liên quan đến số hóa di sản, Viện Quốc tế Pháp ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành chương trình nghiên cứu và ứng dụng dài hạn “Ứng dụng số hóa để bảo tồn di sản văn hóa, nghệ thuật”. Theo đó, các di sản văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam như công trình kiến trúc, đền chùa, các di tích lịch sử, di sản phi vật thể sẽ được số hóa. Nhà hát lớn Hà Nội đã được lựa chọn thử nghiệm đầu tiên của chương trình này để xây dựng một mô hình (sản phẩm) để phục vụ bảo tồn, duy tu, quảng bá, nghiên cứu và học tập. Đây cũng là mô hình mẫu để tiến hành các dự án số hóa tiếp theo…
Số hóa phục dựng di sản bằng công nghệ 3D đã góp phần tái hiện lại những sự kiện mang tính lịch sử không được lưu giữ hoặc bị mất do các yếu tố khách quan nhằm giới thiệu, lưu truyền cho thế hệ sau hiểu di tích, di sản của các thời kỳ lịch sử là một cách làm hiện đại, thay đổi hướng tiếp cận di tích, di sản trong thời đại kỹ thuật số. Số hóa 3D là tiền để cơ sở để tiến hành các công việc tiếp theo như trưng bày ảo, bảo tảng ảo, quảng bá, truyền thông băng công nghệ AR (Augmented Reality - Thực tế tăng cường) và VR (Virtual Reality - Thực tế ảo)…
Phát huy giá trị di sản hiệu quả hơn
Theo các chuyên gia, việc áp dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn, phục hồi di sản không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Ngay từ năm 2008, sau khi cổng thành Namdeamun của Hàn Quốc bị lửa thiêu rụi, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản của đất nước này đã nhanh chóng phục dựng lại di sản đã hơn 600 năm tuổi bởi lẽ trước đó Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc đã số hóa di tích này rất chi tiết.
Điều đó cho thấy các giải pháp công nghệ khác nhau, từ ứng dụng 3D, đồ họa, ảo hóa dữ liệu đến những quay phim, chụp ảnh, ghi âm, công tác số hóa cho phép các di sản được lưu giữ, bảo tồn chắc chắn nhất bởi cách bảo tồn theo phương pháp truyền thống ngày càng khó khăn khi áp dụng, ảnh hưởng rất lớn từ hoàn cảnh tự nhiên.
Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng các chuyên gia nghiên cứu văn hóa di sản cho rằng: Việc áp dụng công nghệ mới rất thích hợp với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bởi lẽ, việc số hóa di sản đòi hỏi chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp bảo tồn khác; cho tính trực quan, độ tin cậy cao. Khi số hóa, công nghệ cho phép tích hợp âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh ba chiều rất sống động, thu hút. Thêm vào đó, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá rất nhanh chóng thông qua mạng internet, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ. Với phương pháp số hóa, chúng ta có thể tiến hành với các di sản vật thể, phi vật thể đến các di sản phức hợp như lễ hội, các kỹ năng gắn liền với các nghệ nhân…
Từ sản phẩm đã được số hóa, di sản sẽ được đưa đến cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước dễ dàng hơn, từ đó góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam, tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chính di sản đó. Các nhà khoa học có cái nhìn tổng quát về di sản để tiến hành các thử nghiệm, can thiệp chính xác trong quá trình phục dựng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Định hướng và danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020” xác định 4 nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai. Trong đó, lĩnh vực di sản văn hóa ưu tiên ứng dụng khoa học, công nghệ để xây dựng quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; xây dựng hệ thống trưng bày, thuyết minh tương tác trong bảo tàng; ứng dụng công nghệ vào quy trình xử lý, bảo quản hiện vật trong bảo tàng và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành di sản văn hóa.
Hiện nay, các bảo tàng ảo dành cho công chúng tham quan trực tuyến, các hình ảnh 3D của hiện vật, công nghệ thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có thể tự trả lời, tương tác với công chúng tham quan bảo tàng. Công nghệ quét và in 3D được sử dụng để phục chế, nhân bản, sản xuất các hiện vật, di sản cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau từ trưng bày, nghiên cứu, hay bán hàng lưu niệm.
Việc hình thành dữ liệu số hóa và chia sẻ bằng công nghệ dữ liệu lớn (bigdata) về di sản văn hóa sẽ làm thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản, quảng bá về di sản trên môi trường số. Các hiện vật hoặc di sản đều được gắn các chip cảm ứng để thu thập thông tin liên tục về tình trạng hiện vật và di sản, giúp hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiệu quả hơn.