Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11:

Di sản văn hóa - du lịch góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia

Di sản văn hóa - du lịch góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia
Hang Sửng Sốt thuộc quần thể vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) với vẻ đẹp kỳ vĩ của địa chất, địa mạo vượt xa trí tưởng tượng của con người. Ảnh: Minh Đức-TTXVN
Hang Sửng Sốt thuộc quần thể vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) với vẻ đẹp kỳ vĩ của địa chất, địa mạo vượt xa trí tưởng tượng của con người. Ảnh: Minh Đức-TTXVN

Di sản tạo cơ hội phát triển du lịch

Việt Nam đã có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên, di sản tư liệu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Cùng với đó, trên khắp cả nước có hàng vạn di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh là di sản cấp quốc gia, hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực của các vùng miền, dân tộc; di sản văn hóa, văn nghệ dân gian…

Đây chính là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, đặc sắc cho các địa phương trên cả nước khai thác phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân. Nhờ đó, nhiều địa phương đã có tên trên bản đồ du lịch trong nước và được du khách quốc tế.

Quần thể Di tích Cố đô Huế là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trên hành trình khám phá di sản miền Trung. Theo thống kê, năm 2018 đã có khoảng 3,5 triệu lượt khách đã đến tham quan các điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế.
 
Quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh: TTXVN
Quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh: TTXVN

Còn tại Hội An, năm 2018 đón tổng lượt khách tham quan, lưu trú lên tới 5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 3,8 triệu lượt. Doanh thu vé tham quan phố cổ đạt hơn 266 tỷ đồng. Doanh thu vé tham quan Cù Lao Chàm đạt gần 27 tỷ đồng. Mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch nơi đây đang tiếp tục phát triển về số lượng và đa dạng loại hình. Hội An cũng đã được vinh danh là “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” trong hệ thống Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019.

Vịnh Hạ Long đã 2 lần được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, mang lại nhiều lợi ích cho du lịch Quảng Ninh. Năm du lịch Quốc gia 2018 Hạ Long – Quảng Ninh là năm "bội thu" khi ngành Du lịch đón 12,2 triệu lượt khách, trong đó hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 23.600 tỷ đồng. Riêng Vịnh Hạ Long đón khoảng 4,1 triệu lượt khách, tăng 4%, trong đó 2,82 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4% so với năm 2017. Khách quốc tế đến Quảng Ninh đã chiếm 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018, đã góp phần khẳng định Hạ Long - Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn du khách…

Qua đó có thể khẳng định, di sản là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan. Với ngành Du lịch, di sản văn hóa, thiên nhiên là yếu tố quan trọng để xây dựng sản phẩm, các địa phương khai thác để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.

Ở nhiều nơi, một phần doanh thu từ du lịch di sản văn hóa đã được dùng cho việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và quản lý di sản. Điều này có nghĩa là du lịch di sản văn hóa đã đóng góp to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản.

Hướng tới phát triển bền vững

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho biết: Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã thể hiện rõ chủ trương phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong đó, du lịch văn hóa là một trong 4 sản phẩm du lịch chính của Việt Nam trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch.

Với loại hình du lịch văn hóa, du khách có thể tham quan di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống bảo tàng, công trình văn hóa, hoạt động nghệ thuật, cho tới tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm văn  hóa, lễ hội, lối sống địa phương, thưởng thức ẩm thực, sản vật vùng miền…

Tuy du lịch tạo ra nhiều lợi ích cho mỗi địa phương nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng du lịch phát triển nhanh chóng mà không tuân theo quy hoạch, hướng tới phát triển bền vững sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, thậm chí có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan môi trường.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặc biệt là du lịch đại trà đã và đang tác động tiêu cực tới di sản văn  hóa. Do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản mà quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những di sản nổi tiếng ở nước ta đang có hiện tượng  bị khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới tính nguyên vẹn của di sản.

Ông Hà Văn Siêu cũng chia sẻ, tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương; gia tăng chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa… đang là hồi chuông cảnh báo các bên liên quan đến quản lý bền vững tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã từng có khuyến cáo rằng: Bảo tồn di sản mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng thì việc bảo tồn sẽ không bền vững. Nhưng khai thác mà bất chấp việc giữ gìn di sản sẽ tự đánh mất tài nguyên. Bởi các di sản không chỉ đem lại nguồn lợi khi phát triển du lịch bền vững, mà còn đưa giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người sở hữu di sản đến với bạn bè quốc tế…

Do đó, để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác các giá trị di sản, văn hóa, Việt Nam cần có chiến lược phát triển phù hợp. Trong đó, ngành Du lịch cần lựa chọn sản phẩm du lịch trên cơ sở giá trị di sản văn hóa; phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng. Sản phẩm du lịch cần tôn trọng đa dạng văn hóa, đề cao vai trò văn hóa bản địa mặt khác phải góp phần nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch văn hóa.

Các địa phương cần có các hoạt động thiết thực nhằm khai thác di sản, văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững. Điều quan trọng vẫn là tạo ra nhận thức, hành động đúng đắn từ mỗi người dân bản địa nơi khai thác di sản văn hóa phát triển du lịch. Khi đó, bản thân mỗi người dân, cộng đồng sẽ có cách ứng xử phù hợp với di sản; kiểm soát sức chứa, loại hình hoạt động để bảo vệ hệ sinh thái tại di sản; gắn lợi tích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản…

Thanh Giang
TTXVN

Có thể bạn quan tâm