Rộn ràng sắc màu văn hóa cao nguyên Đắk Lắk

Nhân "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2024, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk đã mang đến những sắc màu văn hóa trên cao nguyên Đắk Lắk, rộn ràng, say đắm lòng du khách.

PNA_2641.jpg
Những tiết mục biểu diễn dân ca dân vũ của đồng bào Ê Đê đem đến không khí sôi nổi, rộn ràng tại không gian làng dân tộc Ê Đê. Ảnh: Phương Nam

Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Ê Đê, dân ca dân vũ luôn tạo nên sức hút đặc biệt, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, là sợi dây kết nối giữa con người với thần linh, vũ trụ; giữa thế giới đời thực và tâm linh; giữa hiện tại và tương lai. Qua những lời ca tiếng hát, điệu múa dân gian còn truyền đạt vốn sống, trải nghiệm trong lao động sản xuất lưu truyền từ đời này sang đời khác…

_1 (4).jpg
Các nghệ nhân dân tộc Ê Đê trình diễn Čing Kram (còn gọi là chiêng tre). Ảnh: Phương Nam

Những bản hòa tấu nhạc cụ trở nên độc đáo nhờ vào việc vận dụng các loại nhạc cụ dân gian hợp lý, tạo nên những thanh âm vô cùng phong phú và đa dạng, toát lên chất riêng có của nhạc cụ dân gian Tây Nguyên.

PNA_2728.jpg
Các nghệ nhân hòa tấu nhạc cụ. Ảnh: Phương Nam

Čing Kram (còn gọi là chiêng tre) là một nhạc cụ truyền thống riêng có của người Ê Đê, được chế tác từ ống tre, ống nứa của núi rừng Tây Nguyên. Âm thanh từ dàn Čing Kram rền chắc, dồn dập, rộn ràng và có tiết tấu giống chiêng Knăh bằng đồng.

PNA_2671.jpg
Các nghệ nhân hát Ay ray và thổi Đing Năm. Ảnh: Phương Nam
PNA_2672.jpg
Tiết mục thổi Đing Năm của nghệ nhân Y Blih. Ảnh: Phương Nam

Dân ca truyền thống tiêu biểu của người Ê Đê là hát Ay ray. Với lối hát đối đáp, tiết tấu vui tươi, rộn ràng, những cuộc trò chuyện bằng nhạc trở nên thật sinh động. Các câu hát như những móc xích nối với nhau.

_1 (3).jpg
Tốp múa nam nữ trình diễn những giai điệu vui tươi, rộn ràng, hoạt động trồng trọt, thu hoạch, niềm vui được mùa của đồng bào Ê Đê. Ảnh: Phương Nam

Nói đến dân ca của người Ê Đê, người ta hay nhắc đến làn điệu Kuứt và Ai Ray. Nếu như hát Ai Ray là làn điệu với tiết tấu vui tươi, rộn ràng thì hát Kuứt mênh mông, dàn trải, không có tiết tấu rõ ràng, mang nặng tính tự sự, tâm tình, thường được hát khi có các buổi lễ hội như Mừng lúa mới, mừng thọ hay cúng bến nước

PNA_2804.jpg
Bài múa “Ngày mùa trên buôn làng” được tái hiện sinh động. Ảnh: Phương Nam

Để thể hiện sự nhiệt tình và mến khách, trong các lễ hội, người Ê Đê luôn có phần trang trọng đặc sắc đó là phần đón khách và mời rượu thông qua phần trình diễn tấu chiêng Knăh và múa mời rượu.

PNA_2875.jpg
Các cô gái chồng các ống nước lên nhau tạo thành dòng thác chảy xuống ché rượu. Ảnh: Phương Nam
PNA_2822.jpg
Các nghệ nhân tấu chiêng Knăh trong điệu múa mời rượu. Ảnh: Phương Nam
_1 (2).jpg
Phần trình diễn tấu chiêng Knăh và múa mời rượu của đồng bào Ê Đê. Ảnh: Phương Nam
PNA_2851.jpg
Du khách có mặt tại không gian làng dân tộc Ê Đê cùng hòa vào Sắc màu văn hóa cao nguyên Đắk Lắk. Ảnh: Phương Nam

Dàn chiêng K’năh với giai điệu Chi ri ria rất sôi nổi, các cô gái chồng các ống nước lên nhau tạo thành dòng thác chảy xuống ché rượu, già làng mời khách quý uống rượu cần thể hiện sự mến khách, sự gắn kết cộng đồng của dân tộc Ê Đê.

PNA_2891.jpg
Đồng bào Ê Đê rang cà phê để giới thiệu với du khách về cà phê Đắk Lắk. Ảnh: Phương Nam
PNA_2904.jpg
Du khách thưởng thức cà phê Đắk Lắk. Ảnh: Phương Nam
PNA_2705.jpg
Giới thiệu nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ê Đê. Ảnh: Phương Nam

Sắc màu văn hóa cao nguyên Đắk Lắk tại “Ngôi nhà chung” là một hoạt động văn hóa đặc sắc giới thiệu không gian văn hóa dân tộc Ê Đê thu nhỏ với những sắc màu văn hóa độc đáo, giúp du khách có những trải nghiệm đến với vùng đất Tây Nguyên nắng gió không cần phải đi đâu xa.

Phương Nam

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm