Cuộc đua đến ngôi vô địch vẫn chưa thực sự rõ ràng, đến ngay cả đội bóng đứng thứ 5 trên BXH là Thanh Hóa vẫn có quyền mơ vô địch. Mọi đội bóng đều có cơ hội, chỉ cần cố gắng và có sự hợp lý ở giai đoạn cuối cùng để đứng ở ngôi vị cao nhất. Nhưng liệu trong tất cả số đó đều mong muốn chức vô địch?!
Ngũ hổ tranh hùng
Khoảng cách về điểm số giữa các đội bóng chỉ là 1 trận thắng, 1 trận thua, thứ tự nhóm đầu bảng xếp hạng sẽ thay đổi. Cuộc đua đến ngôi vô địch vì thế ngày càng trở nên kịch tính, khó đoán định. Từ vị thế của đội bóng được đánh giá thấp nhất trong số các đại gia, Than Quảng Ninh bất ngờ vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua vô địch. Với những người yêu mến đội bóng đất Mỏ, dẫn đầu BXH quả thực là một giấc mơ.
Xét về thực lực, Than Quảng Ninh rõ ràng không thể so sánh với những đội bóng hàng đầu như Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, FLC Thanh Hóa. Đội hình của Than Quảng Ninh vẫn chưa có được sự ổn định và họ cũng thiếu những ngoại binh thật sự chất lượng. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng lại khiến các đối thủ bất ngờ bởi màn tăng tốc ấn tượng.
Than Quảng Ninh (phải) đang đứng trước cơ hội lịch sử.
|
Trước mắt đội bóng này vẫn còn rất nhiều thách thức. Hai trận đấu với FLC Thanh Hóa (sân khách) và Hà Nội T&T (sân nhà) sẽ quyết định giấc mơ của đội bóng này. Đội bóng nào giành chiến thắng thì cơ hội vô địch sẽ đến: Nếu thua, hoặc trận đấu khép lại với kết quả hòa thì cơ hội lại được dành cho các đối thủ đang nằm ở nhóm đầu.
Với lịch thi đấu khó khăn này, nhiều người không dám tin vào khả năng vô địch của đội bóng đất Mỏ. Nhưng việc lần đầu tiên ở mùa này đội bóng đất Mỏ vươn lên dẫn đầu cuộc chơi, nó mở ra một cơ hội hiếm có với Than Quảng Ninh. Diễn biến hiện nay mang đến một cục diện khôn lường ở đường đua đến ngôi vô địch. Với đội bóng đất Mỏ, họ sẽ quyết tận dụng thời cơ để hiện thực giấc mơ vô địch V-League mà hàng triệu người dân Quảng Ninh đang mong mỏi.
Có thể thấy khoảng cách về điểm số giữa các đội bóng là quá gần và mùa giải còn đến 3 vòng đấu. Cơ hội vô địch vẫn rộng mở với các đội bóng ở nhóm đầu.
Nhìn vào lịch thi đấu từ giờ đến cuối giải, cơ hội vô địch của Hải Phòng (xếp thứ 3), SHB Đà Nẵng (xếp thứ 4) được đánh giá cao hơn cả. Hai đội bóng này chỉ phải gặp những đối thủ dễ chơi hơn rất nhiều. Trong khi Hải Phòng chỉ phải gặp QNK Quảng Nam, Long An và SLNA, những đội đã hết động lực ở mùa giải này, bởi vậy cơ hội giành chiến thắng của đội bóng đất Cảng rất cao. Còn SHB Đà Nẵng thì gặp Sài Gòn FC, HAGL, Đồng Tháp cũng là những đối thủ đã hết mục tiêu phấn đấu.
Sự trỗi dậy thần kỳ của Hà Nội T&T, mới nửa mùa lượt đi còn nằm ở nhóm cuối bảng xếp hạng cho thấy họ vẫn luôn là ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch. Tưởng như sau trận thua trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Hải Phòng, đội bóng Thủ đô coi như đã “giương cờ trắng”. Thế nhưng, việc chỉ phải đối đầu với hai “người anh em” là QNK Quảng Nam và Sài Gòn FC đã đưa đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm trở lại cuộc đua. Đội bóng Thủ đô đang giữ được sự ổn định về phong độ và các ngoại binh có trạng thái sức khỏe tốt.
Tái phát căn bệnh sợ vô địch?
Bóng đá Việt Nam có thời sợ vô địch đến nỗi các đội đùn đẩy nhau lên ngôi để mùa sau không phải tham dự cúp trong khu vực, châu lục vì ngại tốn tiền và mất sức. Trước đây, Nam Định, SHB Đà Nẵng… từng “miễn cưỡng” dự giải quốc tế vì “trót” vô địch, để rồi sau đó nhận liên tiếp những trận thua thê thảm ở đấu trường khu vực và sẵn sàng buông bỏ bất cứ lúc nào. Thậm chí, SLNA có lần chịu nộp phạt để không phải đá Cúp C1 châu Á, nhằm dồn sức để trụ hạng ở V-League.
Căn bệnh sợ vô địch ấy đến nay vẫn chưa có thuốc chữa và mùa này đến cả tuyên bố chạy đua vô địch nhiều đội cũng sợ, không chỉ vì nỗi ám ảnh “nói trước bước không qua”.
Câu chuyện Hải Phòng không muốn vô địch dù liên tục dẫn đầu V-League suốt từ đầu mùa đã được báo chí nói đến nhiều. Mới đây, sau khi đánh bại Hà Nội T&T ở vòng 20, HLV Trương Việt Hoàng hồ hởi cho biết: “Lãnh đạo đội bóng hứa nếu vô địch sẽ cấp kinh phí cho đội dự AFC Champions League mùa sau, vì vậy mà anh em cầu thủ thi đấu rất quyết tâm”. Nhưng ngay sau đó, ở vòng 21, Hải Phòng thua tan nát 0-3 trên sân Sanna Khánh Hòa, rồi vòng 22, được thi đấu trên sân nhà, Hải Phòng tiếp tục bị Thanh Hóa cầm chân với tỷ số 1 - 1. Đáng chú ý nhất là trước một đối thủ đã hết động lực là Cần Thơ, Hải Phòng tiếp tục gây bất ngờ khi thúc thủ 2 - 3, qua đó mất vị trí bảng xếp hạng về tay Than Quảng Ninh và để Hà Nội T&T qua mặt.
Hay mới đây là sự chia tay của Giám đốc kỹ thuật Lê Thụy Hải với CLB FLC Thanh Hóa, khiến người hâm mộ xứ Thanh nghi ngờ tham vọng vô địch V-League của đội nhà. Dù trong thời điểm FLC Thanh Hóa đang rất cần chiến thắng nhất để níu kéo hy vọng vô địch, nhưng sự chia tay này cũng không khiến lãnh đạo đội bóng có một lời níu kéo chiến lược gia họ Lê nhằm ổn định nội bộ đội bóng.
FLC Thanh Hóa 3 mùa gần đây, Hải Phòng cũng 2 năm liên tiếp, hay năm 2010 là Đồng Tháp... Tất cả đều có điểm chung là chơi thăng hoa ngay ở đầu mùa nhưng khi đến giai đoạn quyết định dường như họ lại mắc bệnh “sợ” vô địch bởi một lý do nào đó.
Bóng đá đúng là không thể nói trước được điều gì. Với việc sẩy chân của Hải Phòng, Đà Nẵng cùng sự trỗi dậy muộn màng của Than Quảng Ninh, Hà Nội T&T vì Thanh Hóa, khiến V-League 3 vòng còn lại đáng xem hơn rất nhiều.