Nhằm nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19, Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 tập trung chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”.
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam về vấn đề tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng như công tác bảo vệ trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em
Mặc dù gặp nhiều thách thức do đại dịch gây ra, đặc biệt trong làn sóng dịch COVID-19 thứ tư này, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers đánh giá cao các biện pháp và những hành động đầy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm kiểm soát sự lây lan của virus và tiến hành tiêm vaccine một cách nhanh chóng, an toàn cho người dân, bắt đầu từ các nhóm ưu tiên. Bà bày tỏ ấn tượng với hình ảnh nhân dân Việt Nam thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc cao trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu.
Theo bà Rana Flowers, ngay từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào đầu năm 2020, UNICEF đã theo dõi và đánh giá thận trọng về công tác bảo vệ phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam. Trong đó, ba lĩnh vực quan trọng trong bảo vệ trẻ em mà bà Rana Flowers cho rằng Chính phủ Việt Nam cũng như UNICEF cần quan tâm để bảo vệ tốt hơn các công dân nhỏ tuổi, đó là phòng, chống xâm hại, bạo lực với trẻ em; bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường không gian mạng; bảo vệ trẻ em trong điều kiện cách ly vì dịch COVID-19.
Ở cả ba lĩnh vực này, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam hợp tác cùng với các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế (trong đó có UNICEF) nhằm đảm bảo có những hỗ trợ kịp thời bảo vệ trẻ em trước những tác động, hạn chế của dịch COVID-19. Theo đó, ở lĩnh vực phòng, chống xâm hại, bạo lực với trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã cùng với UNICEF và các đối tác khác tiến hành các hoạt động nhằm đảm bảo đường dây nóng hỗ trợ trẻ em, truyền thông và khuyến khích cộng đồng không khoan nhượng với các hành vi xâm hại, đồng thời tham gia hành động mạnh mẽ chống lại bạo lực, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em lên tiếng; yêu cầu ngăn chặn bạo lực và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm; đào tạo và vận động để các các cộng đồng có thể tiếp cận được nhân viên xã hội chuyên nghiệp.
Ở lĩnh vực bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường không gian mạng, UNICEF hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ tốt hơn trẻ em và thanh thiếu niên khi phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng (giai đoạn 2021 - 2025).
Ở lĩnh vực bảo vệ trẻ em trong điều kiện phải cách ly vì dịch COVID-19, UNICEF đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam có những thay đổi hướng dẫn cách ly để cho phép trẻ em dưới 5 tuổi ở một số tỉnh được cách ly tại nhà hoặc cho phép một thành viên trong gia đình hoặc người giám hộ đi cùng để chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên 5 tuổi trong các cơ sở cách ly. Tuy nhiên, bà Rana Flowers mong muốn Chính phủ xem xét mở rộng quy mô ra toàn quốc để đảm bảo phúc lợi và an toàn cho tất cả trẻ em ở Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh cách ly trẻ em trong điều kiện không có cha mẹ hoặc người chăm sóc đi cùng chỉ là phương án cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác. Điều này phù hợp với các nguyên tắc của Công ước về Quyền Trẻ em, theo đó khi cần thiết phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa hoặc chăm sóc thì quyết định tách trẻ em khỏi cha mẹ/người chăm sóc được đưa ra không chỉ dựa trên các yếu tố về y tế mà còn phải xét đến những hậu quả có thể xảy ra của việc cách ly trẻ em khỏi gia đình.
Chính phủ Việt Nam đã tăng cường công tác bảo vệ trẻ em và chỉ thị các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em trong bối cảnh phong tỏa và giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn cho trẻ em khỏi bị xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, sang chấn tâm lý và tiến hành hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em.
“UNICEF sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo vệ trẻ em và phụ nữ trong mọi hoàn cảnh. UNICEF đã hỗ trợ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng các hướng dẫn và tập huấn cho nhân viên tại các cơ sở cách ly về bảo vệ trẻ em và phụ nữ. Các hướng dẫn đã được xây dựng và phân phát cho hơn 400 cơ sở cách ly. Hiện nay, chúng tôi đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng các hướng dẫn cách ly tại nhà đối với trẻ em”, bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Tâm lý xã hội là một yếu tố quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em. Bà Rana Flowers cho biết UNICEF cũng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em và gia đình thông qua nâng cao năng lực, truyền thông về hỗ trợ sức khỏe tâm thần, tâm lý, các kỹ năng nuôi dạy con tích cực.
Đầu tư hơn nữa vào lực lượng và dịch vụ bảo vệ trẻ em
Bà Rana Flowers cho rằng lực lượng cán bộ công tác xã hội và dịch vụ bảo vệ trẻ em ở Việt Nam vốn đã thiếu và yếu trước khi xảy ra đại dịch, nay lại càng khó khăn hơn bởi có thêm các nhu cầu về sức khỏe và các dịch vụ ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh. Các dịch vụ bảo vệ trẻ em còn bị ảnh hưởng bởi quyết định hạn chế đi lại và thiếu thông tin để trẻ em, gia đình có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
Trưởng đại diện thường trú UNICEF tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào lực lượng và dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc thiết lập mạng lưới nhân viên công tác xã hội được đào tạo ở cấp địa phương - lực lượng nòng cốt của hệ thống bảo vệ trẻ em.
Bà Rana Flowers cho biết, UNICEF đang hỗ trợ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng các hướng dẫn, chương trình đào tạo nhân viên công tác xã hội trong đại dịch COVID-19 để đảm bảo các hệ thống bảo vệ trẻ em ở địa phương có thể hoạt động tốt ngay cả trong giai đoạn giãn cách xã hội. UNICEF khuyến nghị Chính phủ tạo lập, chi trả và hỗ trợ các vị trí nhân viên công tác xã hội được đào tạo để hình thành một mạng lưới hỗ trợ an toàn cho phụ nữ, trẻ em trên toàn quốc.
Một vấn đề nữa mà Trưởng đại diện thường trú UNICEF tại Việt Nam lưu ý đó là nguy cơ gia tăng lao động trẻ em ở Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, đến tháng 12/2020, 1,3 triệu người Việt Nam mất việc làm hoàn toàn do COVID-19 và 32 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi COVID-19, bao gồm mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Mất việc làm, giảm thu nhập trong gia đình và trường học đóng cửa có thể là nguyên nhân khiến trẻ em bỏ học và đẩy các em vào con đường lao động trẻ em. Để ngăn chặn sự gia tăng lao động trẻ em, UNICEF khuyến nghị Chính phủ Việt Nam thiết lập bảo trợ xã hội đầy đủ cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho các nhóm dễ bị tổn thương; tăng chi tiêu cho giáo dục chất lượng và sớm đưa trẻ em trở lại trường học; thúc đẩy việc làm bền vững cho người lớn và thực hiện các chương trình tăng thu nhập cho gia đình để các gia đình không phải sử dụng lao động trẻ em để tăng thu nhập; đầu tư vào các hệ thống bảo vệ trẻ em.
Hỗ trợ tối đa để Việt Nam tiếp cận được các nguồn vaccine
Bà Rana Flowers nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra lúc này là tất cả những người có thể tiêm được vaccine sẽ được tiêm. Vaccine sẽ không bảo vệ hoàn toàn mọi người khỏi nhiễm SARS-CoV-2, nhưng sẽ giúp giảm thiểu tác động của virus này, giúp các bệnh viện không bị bị quá tải.
Tình trạng thiếu nguồn cung toàn cầu làm ảnh hưởng đến việc triển khai tiêm vaccine trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Do đó, việc nhanh chóng tăng khả năng tiếp cận với vaccine là vô cùng quan trọng. UNICEF kêu gọi các quốc gia có vaccine dư thừa quyên góp các liều vaccine đó cho cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine phòng COVID-19" (COVAX). “Không một ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, được an toàn”, bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm về việc vừa qua Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo Việt Nam muốn mua vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi, Trưởng đại diện thường trú UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers chúc mừng Bộ Y tế đã thành công trong việc đàm phán mua 31 triệu liều vaccine Pfizer.
Theo bà Rana Flowers, mới đây, sau khi thử nghiệm, Pfizer đã tuyên bố rằng vaccine phòng COVID-19 của hãng này an toàn cho thanh thiếu niên. Thử nghiệm giai đoạn 3 trên những người trong độ tuổi từ 12 đến 15 cho thấy hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa COVID-19 và cho kháng thể mạnh. Sau thông báo này, Bộ Y tế Canada, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép sử dụng vaccine Pfizer cho độ tuổi 12-15. Các cơ quan quản lý dược khác dự kiến sẽ phê chuẩn.
Bà Rana Flowers cho biết thêm, bên cạnh Pfizer, các loại vaccine phòng COVID-19 khác như Moderna, Novavax, Sinovac và Johnson & Johnson gần đây đã bắt đầu được thử nghiệm cho trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ cập nhật các khuyến nghị khi có đủ bằng chứng để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine ở trẻ em.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khan hiếm vaccine và diễn tiến dịch bệnh phức tạp hiện nay, Trưởng đại diện thường trú UNICEF cho rằng trước hết, vaccine phải được tiêm cho những người ở tuyến đầu chống dịch như các nhân viên y tế, những người dễ bị tổn thương như người già, những người có tiền sử bệnh. Các nhóm này phải được ưu tiên tiêm vaccine trước. Đây là bước khởi đầu cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
“Khi vaccine COVID-19 dồi dào và tất cả nhân viên y tế tuyến đầu, các nhóm ưu tiên khác được tiêm vaccine và khi vaccine được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp để sử dụng cho trẻ em, UNICEF chắc chắn sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các loại vaccine đó”, bà Rana Flowers khẳng định.
Theo bà Rana Flowers, điều quan trọng bây giờ là phải đảm bảo rằng tất cả mọi người ở Việt Nam tiếp tục thực hành thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) để bảo vệ bản thân khỏi virus và tất cả trẻ em tiếp tục được tiêm các vaccine thường xuyên trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Việt Đức