Mới bước vào mùa hè nhưng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, nhất là liên quan đến trẻ em. Những vụ tai nạn này một lần nữa cảnh báo các bậc phụ huynh về việc quan tâm quản lý chăm sóc, giám sát và hướng dẫn học tập, vui chơi cho con em trong dịp hè.
Chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 6/2021, địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tiếp xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm, khiến 4 học sinh tử vong. Trưa 10/6, nữ sinh lớp 8 Đồng Thị Quỳnh Nh. cùng hai người bạn rủ nhau ra sông Cái, xã Hàm Trí (huyện Hàm Thuận Bắc) để tắm và chụp hình. Trong lúc chuẩn bị xuống tắm, Nh. trượt chân ngã xuống sông và bị nước cuốn đi. Đến hơn 13 giờ cùng ngày, người dân phát hiện thi thể của Nh. đang vướng vào cành cây, cách nơi bị nạn khoảng 100m.
Trước đó, tại thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, vào chiều 2/6, các em N.T.B (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Liên Hương 4) và N.V.Q (học sinh lớp 7, Trường Trung học Cơ sở Lê Văn Tám, thị trấn Liên Hương) cùng hai em khác ra khu vực sông Đá Hàng (khu phố 1, thị trấn Liên Hương) chơi rồi xuống sông tắm. Trong lúc tắm, hai người bạn phát hiện em N.T.B và em N.V.Q bị đuối nước nên đã chạy lên bờ kêu cứu. Người dân xung quanh lập tức ứng cứu nhưng hai em N.T.B và N.V.Q đã tử vong.
Bình Thuận là địa phương có bờ biển kéo dài và có nhiều sông, suối, ao, hồ… Vào mùa hè, thời tiết oi bức, nắng nóng kéo dài, các em học sinh, thiếu niên ham thích vui chơi, thường tìm đến các ao hồ, sông suối, biển để tắm. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro dẫn đến tình trạng đuối nước. Nguyên nhân là do trẻ không biết bơi hoặc thiếu kỹ năng bơi lội, xử lý tình huống, dẫn đến đuối nước.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh xảy ra hơn 90 vụ trẻ em bị đuối nước, nạn nhân hầu hết đều dưới 15 tuổi. Để giảm thiểu các vụ đuối nước vào mùa hè, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động như: đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước; tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm, giám sát trẻ; khảo sát các địa điểm có nguy cơ mất an toàn và thực hiện cắm biển cảnh báo; khuyến khích, tạo điều kiện để học bơi, dạy bơi trong trường học, rèn luyện kỹ năng cấp cứu khi bị đuối nước...
Những sự việc đáng tiếc như trên năm nào cũng xảy ra ở khắp các địa phương trong tỉnh. Thực tế cho thấy, các hoạt động và những giải pháp của các ngành chức năng chỉ có thể mang lại hiệu quả cao nhất khi có sự chung tay của gia đình và xã hội. Điều quan trọng nhất trong thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em chính là ý thức của phụ huynh trong việc quan tâm chăm sóc, bảo vệ, giám sát con, em mình. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần trang bị đầy đủ cho con trẻ các kỹ năng bơi lội, sơ cấp cứu đuối nước và kỹ năng dưới nước. Có như vậy mới hạn chế và không xảy ra những vụ đuối nước đau lòng ở trẻ em.
Hồng Hiếu