Tuyển sinh Đại học 2022: Nhiều phương thức xét tuyển nhưng không làm khó thí sinh

Cô giáo Lê Thị Thanh Quỳnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên 1 tỉnh Lạng Sơn ôn tập môn Sử cho học sinh lớp 12C. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Cô giáo Lê Thị Thanh Quỳnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên 1 tỉnh Lạng Sơn ôn tập môn Sử cho học sinh lớp 12C. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh Đại học năm 2022 vừa được công bố, liên quan đến các phương thức tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng, xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

Tuyển sinh Đại học 2022: Nhiều phương thức xét tuyển nhưng không làm khó thí sinh ảnh 1Cô giáo Lê Thị Thanh Quỳnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên 1 tỉnh Lạng Sơn ôn tập môn Sử cho học sinh lớp 12C. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học Trung học Phổ thông, điểm thi các môn tốt nghiệp Trung học Phổ thông và các kết quả đánh giá khác), Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo (có thể tính hệ số cho từng môn), trong đó có Toán hoặc Ngữ văn. Một ngành, một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn, trong đó có thể quy định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp khi xác định điều kiện trúng tuyển. Không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ). 

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo khi phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý, không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau. Việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo.

Các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó, có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.

Trước băn khoăn của các thí sinh về việc năm 2022 xuất hiện hơn 20 phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo khiến các em lúng túng khi lựa chọn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc xuất hiện nhiều phương thức xét tuyển đại học thể hiện quyền tự chủ của các trường. Con số 20 phương thức có thể khiến thí sinh lo lắng nhưng thực ra, mỗi trường không sử dụng nhiều phương thức như vậy mà sẽ lựa chọn phương thức phù hợp để xét tuyển.

Trường hợp đặc biệt là các trường thuộc khối nghệ thuật, năng khiếu có những tổ hợp môn năng khiếu. Thí sinh nếu quyết tâm theo ngành, lĩnh vực đó phải chuẩn bị từ trước. Hoặc các trường đặc thù thuộc lĩnh vực công an, quân đội có điều kiện xét tuyển khác biệt với các khối còn lại. Như vậy, tưởng chừng nhiều phương thức xét tuyển nhưng bao quát cho thấy, phương thức xét tuyển khu trú trong số lượng phù hợp với mỗi trường.

Phân tích về việc xét tuyển đại học năm 2022, thí sinh có nhiều cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường khác nhau, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy nêu ví dụ: "Chẳng hạn, thí sinh đang yêu thích một ngành nghề. Các em dựa trên năng lực, sở trường của mình để đăng ký ngành đó ở trường này nhưng ở trường khác cũng tuyển sinh sử dụng phương thức khác. Lúc này, thí sinh chỉ việc sắp xếp thứ tự ưu tiên nơi nào mong muốn học nhất".

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm