Sáng 17/12, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị khai thác sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực học sinh Trung học Phổ thông phục vụ tuyển sinh đại học. Hội nghị có sự tham gia của gần 50 cơ sở giáo dục đại học, gồm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 3 Đại học Vùng, Cục Nhà trường - Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số trường đại học khu vực phía Bắc đến Đà Nẵng.
Chia sẻ về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022, ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế để đánh giá 3 nhóm năng lực chính của học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực Toán, Tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học.
Bài thi gồm 150 câu, tương ứng với 150 điểm, tổng thời gian làm bài 195 phút. Trong đó, 50 câu đánh giá tư duy định lượng (Toán học, thống kê và xử lý số liệu), thời gian 75 phút; 50 câu tư duy định tính (Văn học – Ngôn ngữ), thời gian 60 phút và 50 câu Khoa học Tự nhiên – Xã hội (Lý – Hóa – Sinh – Sử - Địa), thời gian 60 phút.
Năm 2022, kỳ thi tiếp tục được tổ chức theo quy trình thi chuẩn hóa trên máy tính. Các đợt thi được thực hiện từ tháng 2- tháng 8 tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… tùy theo mức độ kiểm soát dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ: Phổ điểm kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 cho thấy độ phân hóa cao, đánh giá được toàn diện năng lực học sinh Trung học Phổ thông, dần tiệm cận theo một số chuẩn mực quốc tế. Mức điểm trung bình thí sinh đạt được là 86,8/150 (tương đương 5,8/10). Khoảng 11% thí sinh đạt điểm trên 105 (7/10); trong đó, xấp xỉ 1% thí sinh đạt điểm trên 120/150 (tương đương 8/10). Với phổ điểm này, các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng để tuyển sinh những chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành có tính cạnh tranh, phân loại thí sinh.
Năm 2022, với xu hướng đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, nhiều trường đại học dự kiến bổ sung nguồn tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến thời điểm này, hơn 30 cơ sở giáo dục đại học đã có văn bản đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tài nguyên, kết quả thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh.
Về phương án phối hợp tuyển sinh, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất các cơ sở giáo dục đại học có sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển cần công bố trên Đề án tuyển sinh của mỗi trường số lượng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức này. Đồng thời, các trường hỗ trợ Đại học Quốc gia Hà Nội trong công tác tổ chức thi trên diện rộng (nếu có). Các trường có thể tham gia xét tuyển theo đợt chung hoặc theo kế hoạch xét tuyển riêng của từng trường.
Tại hội nghị, đại diện nhiều trường đại học đã trao đổi, làm rõ hơn về quy mô kỳ thi, công tác tổ chức và quy chế phối hợp để sử dụng kết quả kỳ thi này.
Bà Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Từ năm 2021, Trường Đại học Ngoại thương đã sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển. Các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này được đánh giá có chất lượng tốt. Qua đó, nhà trường có chủ trương sẽ chuyển dịch dần chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sang kết quả thi đánh giá năng lực. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh của Trường Đại học Ngoại thương không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc xét tuyển vào trường mà còn có sự phân định để xét tuyển vào các chương trình đào tạo đặc thù, chất lượng cao. Vì vậy, trong thời gian tới, hy vọng bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể nhận diện, tách bạch được các phần đánh giá để các trường thuận lợi khi sử dụng kết quả.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Trần Thị Vân Hoa bày tỏ mong muốn Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi này đảm bảo chất lượng và tính phân loại cao, khách quan, công bằng để các trường yên tâm, tin tưởng sử dụng kết quả bài thi phục vụ tuyển sinh. Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh, mục tiêu là giảm dần chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Do đó, năm nay, nhà trường bổ sung thêm một phương thức tuyển sinh là sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đồng thời, mong muốn được hợp tác để cùng phối hợp tổ chức kỳ thi này.
Tại khu vực phía Nam, đại diện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Tuy cách thức tổ chức thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có một số điểm khác nhau nhưng định hướng, mục tiêu của cả hai kỳ thi là như nhau, đều nhằm đánh giá năng lực toàn diện của thí sinh, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào. Vì vậy, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn cùng phối hợp, công nhận lẫn nhau và sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của cả hai Đại học để phục vụ tuyển sinh. Trong Đề án tuyển sinh năm 2022 và những năm tiếp theo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học thành viên dự kiến sẽ dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Để hiện thực hóa được Đề án này, hai Đại học cần xác lập cơ chế phối hợp cụ thể hơn. Cùng với đó, Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học khu vực phía Bắc cũng có thể sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển.
Việt Hà