Tuyên Quang tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản lấy mẫu lợn xét nghiệm bệnh. Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản lấy mẫu lợn xét nghiệm bệnh. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Trước tình hình dịch bệnh gia súc,gia cầm đang phát sinh và lây lan trong khu vực, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 6 xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn, đảm bảo cho đàn gia súc, gia cẩm của tỉnh phát triển ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Tuyên Quang tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi ảnh 1Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản lấy mẫu lợn xét nghiệm bệnh. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai nghiêm túc việc phòng, chống dịch bệnh theo nội dung các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh, các hướng dẫn của sở. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp thực hiện bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về đăng ký, khai báo chăn nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Các địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp, chính xác về diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống; dấu hiệu để phát hiện dịch bệnh, biện pháp an toàn khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm, không vận chuyển, buôn bán, ăn thịt gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân; tổ chức thực hiện việc đăng ký, khai báo chăn nuôi của từng hộ gia đình theo đúng quy định, thực hiện tốt việc theo dõi, giám sát và phòng bệnh chủ động cho gia súc, gia cầm, khai báo với chính quyền, thú y cơ sở khi có gia súc, gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh; đồng thời tổ chức tiêu hủy gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, mắc bệnh, nghi mắc bệnh ốm, chết theo quy định...

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, sở cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường tiêm phòng vụ Thu Đông trên đàn gia súc, gia cầm. Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch. Đồng thời thực hiện ra soát, quản lý và sử dụng vắc xin từ các nguồn khác nhau, đặc biệt là vaccine tiêm cho đàn gia súc, gia cầm được tỉnh hỗ trợ đảm bảo theo quy định. Ngoài ra, cương quyết xử lý các trường hợp cố tình chống đối không chấp hành việc tiêm phòng vaccine bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 6 xã, 21 thôn và 105 hộ chăn nuôi xuất hiện lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Số lợn tiêu hủy 334 con với tổng trọng lượng trên 10 tấn.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm