Tuyên Quang đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ

Tuyên Quang đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ

Với lợi thế đất lâm nghiệp chiếm 70% diện tích tự nhiên, khoảng 450 nghìn ha; trong đó 50% là đất rừng sản xuất, tỉnh Tuyên Quang chú trọng phát triển lâm nghiệp, phấn đấu thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Theo đó, tỉnh thực hiện rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để lập, hoàn thiện quy hoạch vùng nguyên liệu và có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp liên kết phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương.

Tuyên Quang đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ  ảnh 1Người dân xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), trồng rừng phát triển kinh tế. Ảnh: Quang Cường –TTXVN.

Cùng đó, Tuyên Quang chuyển đổi cơ cấu, giống cây lâm nghiệp, tập trung trồng những giống cây có giá trị kinh tế cao, hình thành hệ sinh thái bền vững; chăm sóc, thâm canh bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tiên tiến duy trì hợp lý diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy; mở rộng diện tích rừng nguyên liệu gỗ lớn và diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

Đồng thời, khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp tổng hợp trồng rừng kết hợp với trồng dược liệu, chăn nuôi, du lịch sinh thái…, xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ rừng bền vững, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường quốc tế để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung, rừng trồng nói riêng,…

Tuyên Quang còn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành nông lâm nghiệp; chuẩn bị tốt các điều kiện để tham gia thị trường cung ứng tín chỉ carbon rừng nhằm tăng thêm nguồn thu, tăng giá trị kinh tế từ đóng góp của hệ sinh thái rừng, nâng cao hơn nữa đời sống cho người trồng rừng và bảo vệ rừng để họ yên tâm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tỉnh cũng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là trong khâu chọn tạo, xây dựng bộ giống cây lâm nghiệp đa dạng, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương; xây dựng bộ sản phẩm gỗ rừng trồng với nhiều chủng loại, mẫu mã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu; quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở các vị trí thuận lợi; xây dựng hoàn thiện đường giao thông vào vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mới các dự án phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến.

Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm gỗ đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính, công nghệ và thị trường đến phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến các sản phẩm giấy, gỗ cao cấp giá trị cao.

Đến năm 2030, Tuyên Quang phấn đấu tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp trên 10%/năm; trồng mới trên 97.000 ha, duy trì diện tích rừng gỗ lớn trên 89.000 ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC 100.000 ha; sản lượng khai thác trên 1,3 triệu m3/năm, tỷ lệ che phủ của rừng trên 65%; thu nhập bình quân rừng trồng đạt 350 triệu đồng/ha…

Những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang có bước phát triển nổi bật, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy. Tỉnh đã sớm triển khai quy hoạch phân 3 loại rừng; hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trữ lượng gỗ nguyên liệu trên 2 triệu m3/năm, sản lượng khai thác hằng năm trên 900.000 m3/năm, đứng tốp đầu trong cả nước về sản lượng khai thác; hằng năm trồng mới trên 11.000 ha; thực hiện công thức “trồng 2, khai thác 1” nên tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%.

Hiện tỉnh đã thu hút được 8 nhà đầu tư liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.

Ngành lâm nghiệp tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm, GRDP ngành lâm nghiệp năm 2021 đạt gần 2.000 tỷ đồng (đóng góp trên 4% giá trị tăng trưởng GRDP), tạo việc làm cho gần 40.000 lao động; duy trì hệ sinh thái bền vững, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là lụt bão, hạn hán, sạt lở đất.

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm