Là huyện miền núi của tỉnh Đồng Nai, Cẩm Mỹ là địa phương có nhiều diện tích đất sỏi đen rất kén cây trồng. Tuy nhiên nhờ áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp với cây trồng và chất đất, người dân huyện Cẩm Mỹ đã phát triển thành công cây xoài trên đất sỏi đen đem lại thu nhập cao.
Xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ với gần như toàn bộ diện tích là đất sỏi đen, trước đây người dân chỉ trồng được các loại cây trồng ngắn ngày như: lúa, ngô, khoai... tốn nhiều công chăm sóc do phải cải tạo chất đất và hiệu quả kinh tế rất thấp.
Sau khi tìm hiểu về tính chất đất, cách cải tạo và những loại cây trồng có thể phát triển trên loại đất này, người dân xã Sông Ray đã phát triển thành công cây xoài trên vùng đất sỏi đen.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hà có 1,2 ha đất được cải tạo và phát triển cây xoài. Sau 3 năm chăm sóc, vườn xoài của ông phát triển xanh tốt, ít dịch bệnh và năng suất không hề thua kém các vùng đất khác.
Mỗi năm, ông Hà thu gần 30 tấn xoài, với giá bán dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông thu lợi trên 300 triệu đồng.
Ông Hà cho biết, để có thể canh tác tốt trên vùng đất sỏi đen này, ông phải tạo nguồn phân hữu cơ bằng cách sử dụng phân chuồng, phân xanh, tỉa cành xuống cùng với phân để xung quanh gốc cây, sau đó xịt một loại thuốc để phân hủy. Những chất này khi phân hủy sẽ tạo thành lớp hữu cơ rất tốt cho đất, khiến đất sỏi đen trở nên tơi xốp, nhiều chất dinh dưỡng, khi tưới nước giữ được độ ẩm rất lâu, do đó cây xoài phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao.
Khu vực xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, hiện có 9 hộ trồng xoài với tổng diện tích hơn 10 ha. Đây cũng là địa phương duy nhất của huyện canh tác cây xoài. Để hỗ trợ nhau trong việc cải tạo đất và chăm sóc tốt cây xoài, những người dân ở đây đã thành lập một tổ hợp tác xoài nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau kỹ thật chăm sóc, tìm đầu ra để sản phẩm có hướng phát triển bền vững.
Hiện tại bà con đang chuyển dần sản xuất theo hướng VietGAP hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường các loại phân bón hữu cơ và chăm sóc theo đúng quy trình nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, trung bình đạt từ 15 - 20 tấn/ha trồng xoài giúp bà con phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Phạm Văn Toản, tổ trưởng Tổ hợp tác cây xoài xã Sông Ray, Cẩm Mỹ cho biết, kể từ khi thành lập tổ hợp tác, nhiều hộ gia đình đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nhất là kỹ thuật cải tạo đất để biến từ đất sỏi đen thành loại đất có nhiều chất dinh dưỡng, phù hợp cho cây xoài phát triển.
Mỗi khi đến vụ cây xoài chuẩn bị cho trái, tổ hợp tác sẽ tổ chức họp một tháng một lần để thông báo kỹ thuật, phân bón, chăm sóc và cách phòng trừ sâu bệnh cho bà con, hướng dẫn bà con chú ý đến phát triển sản phẩm sạch.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tính chất đất trên địa bàn xã là dạng đất sỏi đen, nghèo nàn chất dinh dưỡng, không phù hợp với cây xoài, trong khi cây xoài chỉ phù hợp với loại đất cát pha.
Tuy nhiên, bằng sự tìm tòi, sáng tạo của mình, các hộ nông đân đã biến vùng đất sỏi đen thành vùng đất giàu chất hữu cơ giúp cây xoài phát triển tốt. Đây là mô hình phát triển kinh tế giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển quê hương, từng bước xây dựng nông thôn mới.
Với sự kiên trì của những người nông dân thì nay vùng đất sỏi đen khô cằn, kén cây trồng xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ đã được phủ lên màu xanh của những vườn trái cây trĩu quả mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Lê Xuân