Trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả cao

Trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả cao

Được sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đang rất phấn khởi, bởi mô hình ‘Thâm canh cây ăn quả VietGAP” cho năng suất, hiệu quả kinh tế rõ rệt, so với phương pháp canh tác truyền thống; trong đó, mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, ở thôn Tiên Quán, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động là ví dụ điển hình cho sự hiệu quả đó.

Trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả cao ảnh 1Vườn bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Tiên Quán, xã Phạm Ngũ Lão, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan-TTXVN

Theo bà Trần Thị Huệ, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho biết, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp đang là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó hình thành nên những vùng cây ăn quả, trở thành đặc sản riêng có của mảnh đất Hưng Yên như nhãn lồng, chuối tiêu hồng, bưởi, cam, ổi...

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Thâm canh cây ăn quả VietGAP", trên diện tích 65 ha; trong đó, có 20 ha ổi tại xã Hoàn Long (huyện Yên Mỹ), 20 ha cam ở xã Đồng Thanh (huyện Kim Động) và 25 ha bưởi tại xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động).
Để mô hình thực hiện có hiệu quả, Trung tâm tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật xuống tận vườn để hướng dân người dân làm theo đúng quy trình VietGAP…

Những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Toán, ở thôn Tiên Quán, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động gần như ăn ngủ tại vườn, bởi khoảng một tháng nữa hơn ba sào bưởi Diễn được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình sẽ vào vụ thu hoạch. Bà Toán chia sẻ, trước đây, do chưa nắm được kỹ thuật, cách chăm sóc nên bưởi ít trái, quả không đồng đều.

Năm nay, được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông tỉnh xuống tận vườn hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây; đồng thời hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh nên cây ra nhiều trái, quả đều nên bà con rất phấn khởi.
Niềm vui của bà Toán càng được nhân lên khi vườn bưởi của gia đình được đánh giá là một trong những vườn sai quả nhất trong thôn. Theo bà Toán, năm ngoái, trung bình mỗi quả bưởi có giá từ 15.000 -16.000 đồng/quả nhưng năm nay chắc chắn giá bưởi sẽ cao hơn nhiều, bởi mã bưởi đẹp, quả đều, vỏ cùi mỏng, ăn có vị ngọt thanh. Dự tính năm nay, ba sào bưởi của gia đình bà Toán sẽ thu được khoảng trên 3.000 quả, trừ chi phí gia đình bà sẽ lãi hàng chục triệu đồng.

Bà Ngô Thị Thoa, thôn Tiên Quán, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động chia sẻ, việc áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn từ khâu trồng, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Để trồng được quả bưởi ngon, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, người trồng cần lưu ý đến kỹ thuật bón phân, chủ yếu là bón phân hữu cơ, các loại phân chuồng hoai mục, ngô, đỗ tương ngâm ủ để cây có tỷ lệ ra hoa và đậu quả tốt.

Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc cây, cần chú ý đến bệnh nấm, nhện đỏ, sâu đục thân. Để phòng, trừ sâu bệnh cho cây, người trồng chỉ sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Do đó, bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có mẫu mã đẹp, bắt mắt và đều quả.

Nói về hiệu quả mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Ngô Xuân Tương, Phó Trưởng thôn Tiên Quán, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động cho biết, toàn thôn hiện có khoảng 50 ha bưởi; trong đó, có 25 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Khi triển khai mô hình bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP nhiều người chưa tin tưởng về sự hiệu quả, bởi từ trước đến nay người dân chỉ quen với cách chăm sóc truyền thống. Thành quả hôm nay là những vườn bưởi sai trĩu đang ngã sắc vàng đã chứng minh cách là hiệu quả từ mô hình mang lại. Thời gian tới, thôn sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi những diện tích còn lại sang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bà Trần Thị Huệ cho rằng, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người trồng cây ăn quả. Hiện nay, người nông dân đã và đang sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, bán những mặt hàng thị trường cần chứ không phải bán những thứ mình có.

Từ đó, giúp nâng cao giá trị của sản phẩm; đồng thời nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng và cả người trồng. Ngoài ra, việc thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng phân vô cơ, tạo điều kiện khôi phục độ màu mỡ của môi trường đất. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế dự kiến sẽ cao hơn khoảng 100 triệu đồng/ha, so với ngoài mô hình.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 4.000 ha diện tích cây có múi, với sản lượng khoảng 63.000 tấn, chủ yếu là cam Hưng Yên, Cam V2, quýt đường Canh, bưởi Phú Diễn, bưởi da xanh, bưởi Hoàng Trạch và được trồng nhiều tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên. Đến nay, diện tích cây có múi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 1.000 ha, cho sản lượng khoảng hơn 20.000 tấn quả tươi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Nguyễn Văn Tráng, nhằm phát triển cây ăn quả, hoa cây cảnh theo hướng chuyên canh, tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025”.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ mở rộng diện cây ăn quả toàn tỉnh lên 17.500 ha; trong đó, ổn định diện tích nhãn là 5.000 ha; bưởi, cam mỗi loại ổn định từ 2.000 - 2.500 ha. Phấn đấu 100% diện tích của vùng sản xuất tập trung từ 5 ha trở lên; đồng thời, thực hiện theo chuỗi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu và được sản xuất, chứng nhận đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế; trong đó, trọng tâm là tăng cường xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; phát huy hiệu quả Đề án ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên với người tiêu dùng.

Đồng thời, hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ, vừa tạo sự ổn định trong sản xuất, tiêu thụ vừa đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Đỗ Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm