Trồng bưởi da xanh giúp tăng thu nhập. Ảnh: Nguyễn Minh Trí - TTXVN |
Cách đây gần 10 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây mua 80 gốc bưởi da xanh để trồng thử. Chỉ hơn 2 năm sau, bưởi ra hoa, kết trái. Nhiều năm nay, những cây bưởi luôn trĩu quả.
Theo chị Tâm, có được vườn bưởi này là một sự “ngẫu nhiên”, vì thấy thích thì trồng thử. Cây bưởi sau được trồng tại vườn nhà chị Tâm đã thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Sơn Tây nên đã cho những trái ngọt, đem lại thu nhập cho gia đình. Do trong quá trình chăm sóc gia đình chị không sử dụng các loại thuốc hóa học nên bưởi được nhiều người dân trong vùng tin, mua.
Nhận thấy cây bưởi thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, nên cuối năm 2018, Ủy ban nhân dân xã Sơn liên, huyện Sơn Tây đã triển khai dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh. Tổng kinh phí thực hiện dự án này khoảng 1,9 tỷ đồng, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 900 triệu đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 500 triệu đồng và người dân đóng góp 500 triệu đồng. Có 13 hộ với tổng diện tích 8 ha được thực hiện.
Anh Đinh Văn Nguyên cho hay, trước khi trồng bưởi thì bà con đã được đi thực tế tại một số vườn bưởi của tỉnh Quảng Nam, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Thực hiện mô hình này thì người dân chỉ chịu công, phân bón, phân chuồng, chăm sóc theo quy trình của nhà đầu tư, còn giống thì chính quyền và doanh nghiệp đầu tư.
Phải mất 3 năm kể từ ngày trồng thì bưởi mới cho trái. Do đó, để nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian này, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân trồng xen canh giữa vườn bưởi với cây ổi nữ hoàng, cây sả bản địa. Chỉ sau 3 tháng trồng, ổi nữ hoàng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Theo người dân, lứa ổi đầu tiên rất thành công vì trái to, vị ngọt thanh, được người tiêu dùng lựa chọn. Hiện tại, một số nhà vườn đang đang trồng thêm cây sả bản địa với hy vọng sẽ được thu hoạch dịp Tết Nguyên đán 2020 sắp tới.
Nhờ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên hơn 8 hecta bưởi da xanh khoảng một năm tuổi đang phát triển tốt trên vùng đất Sơn Liên. Và điều khá đặc biệt là, cây bưởi ở đây được chăm sóc theo công nghệ tưới nhỏ giọt Israel đã giúp tiết kiệm chi phí cũng như nhân công lao động. Ý thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi của người dân vùng cao thường rất hạn chế, do đó việc người dân chăm sóc tốt cho cây bưởi là điều đáng mừng.
Theo ông Phan Huỳnh Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Liên, thì thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp cùng doanh nghiệp để đầu tư hệ thống điều khiển qua server thông qua điện thoại hoặc máy tính.
Để đảm bảo đầu ra ổn định cho bưởi, chính quyền địa phương đã liên kết với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đất Quảng star (tại Quảng Nam).
Theo đó, trong quá trình người dân trồng, chăm sóc cây bưởi đại diện Công ty thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc cây; chịu trách nhiệm thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền địa phương kì vọng, loại cây này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân sớm thoát nghèo.
Bởi, theo ông Đinh Quang Ven, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây, thì Ủy ban nhân dân huyện đã từng triển khai thử nghiệm nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi để tìm ra cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhưng đều không thành công như mong đợi. Do đó, việc cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt đã tạo thêm niềm tin, động lực cho chính quyền và người dân nơi đây. Ngoài xã Sơn Liên thì hiện mô hình cũng đang được triển khai tại xã Sơn Bua, Sơn Long.
Đinh Thị Hương