Anh Phạm Văn Tài, sinh năm 1984, thôn Đông Thịnh, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi lươn không bùn tại tỉnh Ninh Bình. Mô hình này không chỉ giúp người nuôi nhận biết sớm được các dịch bệnh trên vật nuôi mà còn cho năng suất cao hơn so với nuôi lươn truyền thống và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cách làm mới của anh Tài được nhiều nông dân trong và ngoài địa phương học học kinh nghiệm.
Với vốn kiến thức học chuyên ngành thủy sản và có thời gian học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn không bùn tại tỉnh Cần Thơ, anh Phạm Văn Tài quyết định phát triển kinh tế từ mô hình nuôi lươn không bùn ngay trên mảnh đất quê hương.
Để xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn, anh Tài đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây bể nuôi, lắp hệ thống dẫn nước, mua giống lươn, thức ăn để bắt đầu khởi nghiệp. Hiện nay, mô hình nuôi con lươn thương phẩm không bùn của anh Tài có 6 bể nuôi, mỗi bể diện tích chỉ khoảng 5m2, cao khoảng 70 cm, có lỗ để có thể chủ động tiêu thoát nước và lọc chất thải…
Anh Tài chia sẻ, nhận thấy giống lươn dễ nuôi, thịt lươn có dinh dưỡng cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng nên ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình nuôi lươn. Bên cạnh đó, lươn tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong khi lươn nuôi có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, đầu ra thuận lợi… nên anh quyết định đầu tư nuôi lươn. Giống lươn được anh chọn lựa là loại giống lươn tại tỉnh Cần Thơ có đặc điểm to, nhiều thịt, con giống đã được các trại giống thuần hóa nên rất dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cũng có nhiều khó khăn đã có lúc thiệt hại vài chục triệu đồng nhưng anh Tài vẫn quyết tâm tìm hiểu và học hỏi thêm kiến thức, đến nay, mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế gần năm trăm triệu/năm mà anh còn thành công trong việc nhân giống lươn.
Anh Tài cho biết là người đầu tiên nhân giống thành công giống lươn. Hiện nay, anh đã chuyển 2 bể nuôi thành bể nhân giống sẵn sàng cung cấp giống lươn Cần Thơ cho người có nhu cầu. Không chỉ vậy, nếu ai có ý định xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn, có thể tìm đến anh để tham khảo, và chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Theo anh Tài, ưu điểm của nuôi lươn không bùn là ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định ở mức cao. Mặt khác lươn ít nhiễm bệnh, do không tiếp xúc với vi khuẩn trong môi trường bùn đất.
Trong khi đó, chất lượng thịt lươn vẫn đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng, được thị trường tiêu thụ ưa chuộng. Thức ăn cho lươn rất đa dạng, tùy vào các mốc sinh trưởng. Lươn giống thường ăn trùn chỉ (một giống giun nước, thân nhỏ, thường dùng để nuôi cá vàng); đến tuổi trưởng thành cho ăn cám trộn ốc bưu vàng.
Hiện lươn thương phẩm, anh Tài đang bán cho các thương lái, chủ nhà hàng tìm đến tận nơi để thu mua giá luôn ổn định. Bình quân 1 bể nuôi lươn không bùn gia đình anh Tài xuất bán khoảng 3 tạ lươn, tính nhẩm thu lãi hàng chục triệu đồng/bể. Mỗi năm cho doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đánh giá, anh Phạm Văn Tài là nông dân đầu tiên triển khai mô hình nuôi lươn không bùn tại địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện về nguồn vốn để giúp anh Tài nhân rộng mô hình phát triển kinh tế.
Hải Yến