Mô hình trồng Ba kích thương phẩm tại gia đình anh Nguyễn Văn Sô ở thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN |
Nguồn lợi lớn từ cây dược liệu Với các đặc điểm về địa hình, khí hậu, vùng núi Tam Đảo có hơn 250 loài dược liệu khác nhau. Ở đây nổi tiếng với các bài thuốc độc đáo của cộng đồng dân tộc người Sán Dìu, người Dao. Sau một thời gian khai thác sử dụng, nguồn dược liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng, trên địa bàn huyện Tam Đảo, đã xuất hiện nhiều mô hình, ươm giống và trồng cây dược liệu. Nhiều cây dược liệu có giá trị cao đã được người dân lựa chọn phát phát triển thành cây hàng hóa. Anh Nguyên Văn Sô là một trong những người đầu tiên ở thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đưa cây ba kích về trồng. Anh Sô cho biết, trước đây, cây ba kích mọc hoang nhiều trên các triền núi Tam Đảo nhưng do việc thu mua ồ ạt củ ba kích của các thương lái nên người dân dân đua nhau đi đào để bán. Củ ba kích rừng trở nên khan hiếm. Hiểu được giá trị và nhu cầu về củ ba kích thương phẩm rất lớn, anh Sô và nhiều hộ khác ở Tam Đảo phải lặn lội vào những cánh rừng vắng tìm cắt những dây ba kích còn sót lại đem về ươm tại vườn nhà. Từ chỗ trồng thử nghiệm, đến nay gia đình anh Sô đã có hơn 2 ha cây ba kích đang vào đợt cho thu hoạch. Theo tính toán của anh Sô, khoảng từ 3,5 - 4 năm, cây ba kích cho thủ hoạch củ với giá 200.000 đồng/kg. Một ha có thể thu hoạch được khoảng từ 27-28 tấn củ. Hiện nay, nguồn củ ba kích của anh Sô và các hộ khác ở xã Đạo Trù không chỉ cung cấp làm nguồn dược liệu cho các hộ trong tỉnh mà còn bán đi nhiều tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Nhiều hộ dân ươm, nhân giống cây ba kích ở xã Đạo Trù có việc làm quanh năm, thu nhập cao và ổn định hơn rất nhiều so với trước kia. Ông Bùi Văn Cầu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Tam Đảo cho biết, trên địa bàn huyện Tam Đảo có khoảng 45 ha trồng cây dược liệu, gồm các loại chủ yếu như: ba kích, tam thất, cà gai leo, hoàng đằng... Ước tính, mỗi năm nông dân thu về hàng chục tỷ đồng. Hiên nay, huyện Tam Đảo có hơn 10 ha diện tích trồng cây trà hoa vàng, một số cơ sở đã đưa máy móc, thiết bị vào việc sơ chế các sản phẩm từ cây trà hoa vàng để bán ra thị trường. Trà hoa vàng được mệnh danh là “vàng xanh” của vùng đất Tam Đảo vì lợi ích của nó cũng như giá trị kinh tế rất lớn. Hoa trà tươi có giá khoảng 1 triệu đồng/kg, hoa trà sấy khô giá bán từ 15 đến 22 triệu đồng/kg, lá trà khô giá bán 300.000/kg. Gia đình anh Trịnh Hoàng Trọng là một trong những chủ vườn trà hoa vàng lớn nhất ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo. Suốt 2 năm qua, anh Trọng đã dành rất nhiều thời gian để thu mua cây trà từ tự nhiên về nhân giống và trồng nhân rộng tại vườn của gia đình. Đến nay, hơn 4 ha đất đồi đã được anh Trọng mở rộng để trồng trà hoa vàng với hàng nghìn cây ở các độ tuổi khác nhau đang cho thu hoạch. Để nâng cao giá trị trà hoa vàng, anh Trọng đã đưa vào sử dụng máy sấy lạnh công nghệ cao, đảm bảo khô thơm, giữ màu sắc, chất lượng và bảo toàn dưỡng chất tốt nhất và giữ trà khô trông giống đến 97% so với trà hoa tươi trước khi sấy. Thu nhập từ việc bàn lá và hoa trà mang lại cho gia đình anh Trọng hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, gia đình anh còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Thu hoạch củ cây Ba kích tại xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN |
Phát triển tương xứng với tiềm năng Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng hiện nay, việc trồng và phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Tam Đảo vẫn chỉ mang tính tự phát, thiếu quy hoạch; nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, tốc độ phát triển chậm, chưa tạo được thị trường hàng hóa… Theo thống kê của ngành Y tế Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 cơ sở khám chữa bệnh bằng thuốc Nam, thuốc Bắc; 1 Bệnh viện Y học cổ truyền; 1 Bệnh viện Điều dưỡng và Công ty Dược phẩm. Hàng năm, các cơ sở này tiêu thụ hàng chục tấn dược liệu thô, trong khi nguồn cung ứng trong tỉnh chỉ đáp ứng được 25-30%, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác. Vì vậy, việc quy hoạch, phát triển vùng cây dược liệu có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nguồn dược liệu phục vụ ngành y học bài chế thuốc chữa bệnh cho người. Để bảo tồn và phát triển cây dược liệu, UBND huyện Tam Đảo đang xây dựng đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2017 – 2021”. Huyện Tam Đảo sẽ đầu tư khôi phục và phát triển trên 560 ha diện tích cây dược liệu; đưa vào bảo tồn hơn 250 loài cây dược liệu, lưu giữ nguồn gen đặc hữu có giá trị và nguy cơ tuyệt chủng cao; đồng thời, quan tâm, xây dựng vườn ươm và nơi lưu giữ nguồn giống dược liệu sạch bệnh, chất lượng cao cho người dân. Huyện Tam Đảo sẽ đẩy mạnh việc quy hoạch phát triển trồng cây dược liệu, đặc biệt là quy hoạch vùng phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loại dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, phấn đấu tạo ra các vùng chuyên canh nhằm cung cấp các sản phẩm sạch cho thị trường. Thực hiện mục tiêu phát triển cây dược liệu theo hướng hiệu quả, bền vững, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu từ vào dự án trồng cây dược liệu trên địa bàn. Tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ xúc tiến thương mại, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, cho người dân đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành dược tại địa phương.
Nguyễn Thị Thảo