Tri thức dân gian trong lịch tre – Di sản phi vật thể độc đáo của người Mường

Lịch tre (Lịch Đoi/Roi) dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là tri thức dân gian xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử của người Mường Hòa Bình. Loại lịch pháp hội tụ tri thức dân gian độc đáo của người Mường đã được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 7/2022.

1.jpg
Lịch tre - tri thức dân gian độc đáo của người Mường Hòa Bình đã được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 7/2022. Ảnh: An Thành Đạt

Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Mường Hòa Bình đã xây dựng cho mình một cách tính lịch độc đáo. Tuy chưa phát triển thành hệ lịch chặt chẽ có tính mật xác cao để có thể tính trước được nhiều năm, nhưng đây là sản phẩm của quá trình quan sát lâu dài về các quy luật của vận động tự nhiên. Xác lập ra cách tính lịch tre, người Mường đã có phương tiện để khám phá ra những quy luật tự nhiên, cũng như công cụ để hoạch định mùa vụ canh tác nông nghiệp riêng cũng như ứng dụng vào cuộc sống cộng đồng.

2.jpg
Bộ lịch tre của người Mường Hòa Bình được làm từ những thanh tre ngâm và để gác bếp tránh mối mọt. Bộ lịch gồm 12 thẻ, tương ứng với 12 tháng âm lịch trong năm. Ảnh: An Thành Đạt

Bộ lịch tre của người Mường được làm từ những thanh tre được dóc, vót và đánh bóng cẩn thận, sử dụng để khắc các khấc, vạch, chấm (gọi chung là các ký hiệu, biểu tượng) nhằm chỉ thị cho ngày, tháng và các hiện tượng, quy luật trong tự nhiên hàng tháng trong năm. Trên 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm đều được khắc 30 khấc tương đương với 30 ngày trong tháng. Mỗi thanh tre được tạo hình chữ nhật, có 2 mặt rộng gọi là mặt lịch và 2 mặt hẹp gọi là sống lịch.

3.jpg
Trên thẻ tre có khắc các khắc, vạch, chấm (gọi chung là các ký hiệu, biểu tượng) biểu thị ngày, tháng và các hiện tượng quy luật trong tự nhiên hàng tháng trong năm. Ảnh: An Thành Đạt

Trên lịch tre, vạch hình chữ vê (v) gọi là ngày cá. Vạch có một chấm ở trên thì gọi là ngày tiểu hao, hai chấm thì gọi là ngày hao. Vạch hình mũi tên là ngày mưa bão. Số lượng và mật độ của các ngày này thay đổi theo từng tháng. Tháng nào có nhiều vạch hình mũi tên thì tháng đó rất nhiều mưa bão, nếu gieo mạ, cấy lúa... vào những ngày mưa bão thì sẽ bị hỏng. Nếu vào ngày cá thì người dân đi đánh cá, mò cua bắt ốc sẽ được nhiều. Trong lịch tre, tháng 1 là tháng có nhiều ngày cá nhất vì đó là thời điểm mùa cá đẻ. Nếu vào ngày hao thì người dân dù có buôn bán bốn phương, lắm của nhiều tiền thì cũng bị thua lỗ...

5.jpg
Trên mỗi thanh tre có ghi tháng đủ, tháng thiếu, ngày Roi vào, Roi ra, để người dân tránh ngày mưa gió, ngày xấu, chọn ngày tốt. Ảnh: An Thành Đạt

Khi dựng vợ, gả chồng, người Mường phải nhằm vào những ngày vạch ngắn, đó là ký hiệu của ngày bình thường có thể làm đủ mọi công việc mà không sợ bị thua lỗ, nhưng cũng không phát tài phát lộc được.

6.jpg
Bộ lịch tre thanh trung bình có chiều dài 15 - 20cm, rộng 1,5 - 2cm, dày 0,5cm. Ảnh: An Thành Đạt

Giá trị tri thức dân gian lịch tre của người Mường hiện nay vẫn còn được ứng dụng trong đời sống hàng ngày thể hiện sự trường tồn của tri thức dân tộc. Cùng với cách tích lịch Tây thông dụng, tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của người Mường ở Hòa Bình đều dựa vào cách tính cát, hung của bộ lịch tre.

7.jpg
Người Mường gọi là “Lịch Đoi” bởi lịch này được phân chia ngày tháng trong năm theo sự vận hành của sao Đoi. Ảnh: An Thành Đạt

Theo cách tính lịch tre, các ngày từ 1-10 người Mường gọi là “ngày cây”, từ ngày 11-20 gọi là “ngày lồng”, từ ngày 21-30 gọi là “ngày cuối”. Người Mường thường tổ chức những việc quan trọng (lễ Khai hạ đầu năm, làm nhà, làm đám cưới…) vào những ngày đầu tháng (ngày cây), tránh những ngày kỵ.

8.jpg
Theo Lịch Đoi, dân tộc Mường Hòa Bình tính ngày Âm lịch không chỉ theo sự vận hành của Mặt Trăng mà còn lồng ghép yếu tố thời tiết vào chu kỳ vận hành của sao Đoi. Ảnh: An Thành Đạt

Lịch tre người Mường Hòa Bình có vai trò đặc biệt trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Mường, là khối tài sản về tri thức dân gian vô giá. Theo thống kê hiện nay, trong toàn tỉnh Hòa Bình chỉ còn 5 bộ lịch tre cổ của dân tộc Mường có từ hàng trăm năm và khoảng trên 100 bộ lịch tre sao chép làm mới đang được người Mường lưu giữ, sử dụng (đa số là bậc cao niên, các thầy mo, thầy cúng).

9.jpg
Tri thức lịch Đoi để làm những việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, làm nhà, về nhà mới, mong cho mọi điều thuận lợi hanh thông. Ảnh: An Thành Đạt

Hiện nay, ngoài sử dụng trong nhân dân, bộ lịch được lưu giữ tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Bảo tàng tư nhân Văn hóa Mường trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

10.jpg
Trên mỗi thẻ tre được khắc 30 vạch, mỗi vạch tượng trưng cho một ngày. Ảnh: An Thành Đạt
11.jpg
Thẻ tre có các bộ phận chính gồm: gốc lịch, sống lịch, mặt lịch. Tất cả các thẻ tre đều khắc 30 khắc tương đương với 30 ngày trong tháng. Ảnh: An Thành Đạt
13.jpg
Tri thức lịch tre của người Mường đã được công nhận di sản phi vật thể Quốc gia. Ảnh: An Thành Đạt
15.jpg
Bộ lịch tre được nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình phóng tác thành một tác phẩm lớn hơn đặt trong khuôn viên bảo tàng cá nhân về văn hóa Mường Hòa Bình của ông. Ảnh: An Thành Đạt
16.jpg
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình với bộ lịch tre cổ của người Mường. Ảnh: An Thành Đạt
17.jpg
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình với bộ lịch tre cổ của người Mường và tác phẩm lịch tre được làm to ra cho du khách được chiêm ngưỡng tại bảo tàng văn hóa Mường của ông. Ảnh: An Thành Đạt
18.jpg
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình với bộ lịch tre cổ trong khuôn viên bảo tàng văn hóa Mường. Ảnh: An Thành Đạt

Lưu Trọng Đạt

(̣Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm