Trái ngọt xóa nghèo trên vùng đất đồi biên cương

Trái ngọt xóa nghèo trên vùng đất đồi biên cương

Những năm qua, tại huyện vùng cao biên giới Bát Xát (Lào Cai), đồng bào các dân tộc Dao, Hà Nhì… rất phấn khởi vì sản phẩm lê Tai nung (lê VH6) được mùa được giá. Ưu điểm nổi bật của giống lê Tai nung là sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc, cây trồng 4 - 5 năm sẽ cho thu hoạch. Quả lê vỏ mỏng, ăn giòn, vị ngon, ngọt thanh mát, khi bổ ra ít bị thâm.

Trái ngọt xóa nghèo trên vùng đất đồi biên cương ảnh 1Được đưa vào trồng thí điểm tại xã Nậm Pung, huyện Bát Xát (Lào Cai) từ năm 2009, cây lê Tai nung đã mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều hộ đồng bào dân tộc nơi đây. Ảnh: Hương Thu

Xã Nậm Pung có 352 hộ, chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc Dao, Hà Nhì sinh sống. Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là chìa khóa để giảm số hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2009, cây lê Tai nung được đưa vào trồng thí điểm tại địa phương với hy vọng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Là một trong những hộ đầu tiên đưa cây lê Tai nung vào trồng, anh Tẩn Sài Lù ở thôn Kin Chu Phìn 1 cho biết: Cây lê Tai nung rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên rất sai quả. Thương lái đến tận vườn nhà để thu mua với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/ kg. Bình quân gia đình thu lãi trên 50 triệu đồng/vụ.

Trái ngọt xóa nghèo trên vùng đất đồi biên cương ảnh 2Lê Tai nung có mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, ăn giòn, vị ngon, ngọt thanh mát, khi bổ ra ít bị thâm. Ảnh: Hương Thu

Tính đến tháng 6/2023, huyện Bát Xát đã phát triển được gần 300 ha lê Tai nung, tập trung ở các xã Nậm Pung, Y Tý, Pa Cheo, A Lù, Dền Sáng…, trong đó có khoảng 130 ha diện tích cho thu hoạch, sản lượng từ 8 - 10 tấn/ha. Vào chu kỳ kinh doanh ổn định, lê Tai nung cho hiệu quả kinh tế từ 150 - 200 triệu đồng/ha và cao hơn tùy vào điều kiện chăm sóc.

Hương Thu

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm