Trà Vinh nhân rộng mô hình sản xuất tưới tiên tiến

Trà Vinh nhân rộng mô hình sản xuất tưới tiên tiến

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho nông dân áp dụng sản xuất tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để khuyến khích nhân rộng diện tích sản xuất hiệu quả và bền vững trước biến đổi khí hậu. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30%.

Cụ thể, tỉnh chi hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha; hỗ trợ 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha.

Nông dân sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính theo phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ và sử dụng phân bón thông minh được hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón, nhưng không quá 5 triệu đồng/ha. Hỗ trợ một lần 30% kinh phí mua máy móc, trang thiết bị sản xuất, đường ống nhựa phục vụ cho việc tưới tiêu; xây dựng nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm rau an toàn, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở…

Việc đầu tư, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp giảm công lao động tưới. Mô hình tưới nước kết hợp phun thuốc tiêu diệt sâu bọ, động vật gây hại hoặc kết hợp với bón phân thông minh làm giảm chi phí công lao động, giúp chủ động kiểm soát lượng nước, kiểm soát phân bón và hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật giúp làm giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm ô nhiễm môi trường, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Tính đến nay, diện tích đất sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được áp dụng tại những địa phương có nhiều diện tích đất gò cao, đất giồng cát, như huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải có khoảng gần 12.000 ha. Qua áp dụng sản xuất tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho thấy lợi nhuận đem lại cao hơn từ 30 - 50% so với sản xuất truyền thống. Canh tác lúa tưới ngập - khô xen kẽ sử dụng phân bón thông minh, cây lúa cho năng suất cao hơn 0,76 tấn/ha so sản xuất đối chứng.

Ông Thạch Thanh, ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang cho biết, ông đã đầu tư hệ thống tưới phun tiết kiệm nước để trồng lạc từ năm 2021. Bình quân, chi phí lắp đặt hệ thống ống tưới, máy bơm cho 01 ha đất tốn kém chí phí khoảng 100 triệu đồng. Tuy mức đầu tư khá cao, bù lại việc trồng 1 ha lạc mỗi năm, gia đình ông tiết kiệm được 5 lần công lao động, tiết kiệm 60% lượng nước, 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng cây lạc cho năng suất 10 tấn/ha, tăng 3/ha, sau khi trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng/ha.

Năm 2023, tỉnh Trà Vinh tiếp tục dành khoảng 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích sản xuất rau an và khoảng 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân thực hiện tưới ngập - khô xen kẽ trong canh tác lúa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để lồng ghép hỗ trợ nông dân. Các địa phương vận động, khuyến khích nông dân mạnh dạn tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp để huy động nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư xây dựng công nghệ tưới tiết kiệm nước, giảm chi phí phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm