Trà Vinh hỗ trợ phát triển rừng ngập mặn

Tỉnh Trà Vinh đang triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ để trồng mới và bảo vệ rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, trồng mới khoảng 795 ha rừng nâng tổng diện tích rừng ngập mặn của tỉnh gần 10.000 ha và đạt độ che phủ 4,2%.

Tra Vinh ho tro phat trien rung ngap man hinh anh 1Người dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh trồng rừng. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Theo đó, hộ nông dân và các tổ chức khi thực hiện trồng rừng trên đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, hộ nông dân hoặc theo các quy định của pháp luật hiện hành (cây đước) đạt diện tích tập trung từ 0,3 ha trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% tiền mua cây giống, nhưng không quá 37 triệu đồng/ha, tăng gần 4,5 lần so chính sách hỗ trợ trồng rừng trước đây.

Đối với các hộ, cá nhân được giao nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất được tỉnh hỗ trợ trực tiếp bằng tiền 500.000 đồng/ha/năm, nhưng tối đa không quá 15 ha/cá nhân và không quá 30 ha/hộ. Các cá nhân, hộ nhận khoán bảo vệ rừng hàng năm phải được đơn vị giao khoán nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu mới được hưởng chính sách hỗ trợ.Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển rừng ngập mặn tỉnh hướng đến mục tiêu bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai triều cường, nước biển dâng và biển xâm thực vào đất liền dọc theo chiều dài 65 km đường bờ biển của tỉnh. Cùng với đó, việc phát triển diện tích và chăm sóc bảo vệ rừng còn tạo ra việc làm cho hộ nông dân, nhất là phát triển mô hình rừng – tôm tạo nguồn thu nhập bền vững cho hộ dân vùng ven biển.

Theo ông Phạm Minh Truyền, đến cuối năm 2020, diện tích rừng toàn tỉnh đạt hơn 9.160 ha, gồm: rừng tự nhiên hơn 2.960 ha; rừng trồng 6.200 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 3,63%. Có hơn 5.120 ha rừng được giao khoán cho người dân và các tổ chức bảo vệ, số diện tích rừng còn lại do người dân tự trồng và quản lý.

Tại các huyện ven biển như: Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và thị xã Duyên Hải, hiện có hơn 4.000 ha rừng được người dân tự trồng và bảo vệ kết hợp nuôi tôm sú sinh thái (quảng canh).

Đây là mô hình sản xuất kết hợp vừa ít tốn kém vốn đầu tư, vừa tránh được rủi ro thiệt hại do biến động về thời tiết, môi trường và dịch bệnh trên tôm, đem lại hiệu quả bền vững và vừa bảo vệ được môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu. Bình quân 1 ha sản xuất kết hợp theo tỉ lệ 40% diện tích rừng, 60% diện tích mặt nước xen canh nuôi tôm sú, cua biển, vọp hoặc sò huyết, mỗi năm cho hộ nông dân mức thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

Phúc Sơn

Tin liên quan

Trà Vinh tập trung xây dựng Làng khởi nghiệp xanh

Ngày 19/11, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Dự hội nghị có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các địa phương trong tỉnh, các tổ chức tín dụng, Hội Doanh nghiệp trẻ và các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Trà Vinh khuyến khích nông dân mở rộng diện tích và đa dạng các loại cây màu

Thực hiện khuyến khích của ngành nông nghiệp về tăng diện tích trồng màu để bù đắp thiệt hại cho cây lúa, cây màu bị ảnh hưởng hạn mặn, từ tháng 6 đến nay, hàng chục nghìn lượt hộ nông dân trong tỉnh Trà Vinh đã tập trung trồng mới hơn 24.300 ha màu trên những vùng đất cát, đất ven triền giồng cát, đất trồng lúa gò cao, đất trồng mía không tái vụ…, cho thu nhập từ 80 – 130 triệu đồng/ha/vụ.


Trà Vinh: Gần 10 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, năm 2020, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh bố trí 9,5 tỷ đồng phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.



Đề xuất