Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có trên 16.000 cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn, với khoảng 37.000 lao động tạo giá trị sản lượng hơn 3.350 tỷ đồng/năm. Nhiều năm nay, Trà Vinh luôn chú trọng đa dạng hoá các hoạt động hỗ trợ sản phẩm công nghiệp nông thôn để nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn phát triển bền vững.
Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh Trà Vinh thực hiện chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến công gần 2,1 tỷ đồng, kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại hơn 3,4 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của cơ sở và doanh nghiệp.
Từ nguồn kinh phí này, tỉnh sẽ hỗ trợ 13 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị chuyển giao công nghệ và sản xuất; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thuê tư vấn, trợ giúp thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói. Đồng thời, tổ chức các lớp truyền nghề, tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các hộ có ý tưởng thành lập doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý điều hành cho doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động sản xuất sạch hơn… Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã tham gia hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu
Bánh tráng là một trong những món ăn truyền thống của người Việt Nam, được dùng rộng rãi trong hộ gia đình ở nông thôn và các nhà hàng sang trọng. Tại miền Nam, bánh tráng rất thông dụng, có thể cuốn chả giò, gói thức ăn trong những mâm cơm hàng ngày đến những bữa tiệc thịnh soạn.
Với 3 đời làm bánh tráng, nhưng đến nay, thương hiệu bánh tráng Ngọc Đáng của hộ kinh doanh Phan Quang Đáng, xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành mới được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưu tiên lựa chọn. Cũng với nguyên liệu cơ bản là gạo, bột mì và muối, nhưng nhờ áp dụng công nghệ mới, đầu tư máy móc hiện đại để tối ưu hoá quy trình sản xuất, cùng cải tiến bao bì, mẫu mã đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nên bánh tráng Ngọc Đáng đã vươn xa, có thị trường tiêu thụ khá ổn định tại hầu hết các tỉnh miền Tây và đã xuất khẩu sang Campuchia.
Mỗi ngày, cơ sở của ông Đáng sản xuất khoảng 500 kg bột, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ 10.000-15.000 bịch bánh tráng (75 gram/bịch). Cơ sở của ông giải quyết việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập từ 5,5 - 9 triệu đồng/tháng tuỳ công đoạn; trong đó, lao động dân tộc Khmer chiếm từ 80-90% tổng số lao động tại đây. Hiện hộ kinh doanh Phan Quang Đáng đang hoàn chỉnh các thủ tục để thành lập hợp tác xã.
Ông Phan Quang Đáng chia sẻ, trước đây, bà ngoại và mẹ của ông chủ yếu tráng bánh bằng tay, làm bao nhiêu bán bấy nhiêu, không chú trọng thương hiệu, mẫu mã, bao bì, nên mỗi ngày chỉ sản xuất vài chục kg bột. Năm 2007, ông Đáng bắt đầu kế nghiệp nghề làm bánh tráng của gia đình. Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi chất lượng, sự bắt mắt, chỉn chu về mẫu mã bao bì, nên ông Đáng quyết tâm đầu tư máy móc thiết bị mới, máy tráng và đóng gói bánh tráng để có thể tiết kiệm được thời gian, đảm bảo an toàn thực thẩm và bảo quản sản phẩm được lâu hơn; đồng thời, tạo bao bì bắt mắt mang tính thẩm mỹ thu hút được thị hiếu của người tiêu dùng.
Đến năm 2022, hộ kinh doanh Phan Quang Đáng được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh) hỗ trợ tổng kinh phí 240 triệu đồng, hộ đối ứng 240 triệu còn lại để đầu tư máy đóng gói và tráng bánh.
Không chỉ được hỗ trợ máy móc hiện đại, sản phẩm bánh tráng của Hộ kinh doanh Phan Quang Đáng còn được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Trà Vinh hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu. Đồng thời, bánh tráng Ngọc Đáng được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020, góp phần khẳng định thương hiệu, uy tín và chất lượng sản phẩm.
Tại xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nghề làm hủ tiếu ở ấp Nô Công đã tồn tại khoảng 100 năm. Hủ tiếu là món ăn rất quen thuộc với người miền Nam. Để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2022, 10 hộ dân nơi đây đã thành lập hợp tác xã, với vốn điều lệ 300 triệu đồng.
Ông Hứa Minh Cường, Giám đốc Hợp tác xã hủ tiếu Nô Công cho biết, để nghề làm hủ tiếu truyền thống của gia đình được lưu truyền từ đời này sang đời khác và sản phẩm ngày càng tiến xa hơn, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua các loại máy móc hiện đại ứng dụng trong xay bột, hấp tráng, trộn, máy cắt và làm sân phơi có mái che.
Theo ông Cường, từ khi thành lập hợp tác xã, các hộ sản xuất hủ tiếu ở đây được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nên hủ tiếu Nô Công được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn. Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 2 tấn hủ tiếu, tăng 1,5 lần so với trước khi tham gia hợp tác xã; giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động với mức lương từ 3- 6 triệu đồng/tháng. Hiện hợp tác xã đang hoàn thiện các thủ tục để hủ tiếu Nô Công được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đồng thời, đơn vị cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ để được tiếp cận chính sách hỗ trợ đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị máy móc công nghệ mới, với tổng kinh phí thực hiện gần 2 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Ngọc Xuân, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh) cho biết, hàng năm, tỉnh Trà Vinh đều bố trí nguồn kinh phí trên 5 tỷ đồng thực hiện các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại. Đây là nguồn trợ lực để các cơ sở ngành nghề nông thôn mở rộng quy mô sản xuất, có điều kiện đầu tư, ứng dụng các thiết bị, máy móc hiện đại, giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường, từng bước đưa sản phẩm vươn xa hơn ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Cùng với đó, tỉnh Trà Vinh còn tổ chức bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm đạt chất lượng, nhiều tiềm năng để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, thúc đẩy các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn phát triển. Qua đó, tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản phẩm có chất lượng cao, tiềm năng và lợi thế địa phương, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thanh Hòa