Ngày 19/3, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị sơ kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021.
Năm 2021, Ban Chỉ đạo đặt mục tiêu toàn tỉnh có thêm 8 xã và một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh cũng phấn đấu không còn xã đạt dưới 14 tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 1-1,5%, đồng bào Khmer giảm từ 1,5-2% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.
Để đạt mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Trà Vinh đề ra nhiều giải pháp. Tỉnh huy động tối đa nguồn lực của Trung ương, địa phương, các dự án đang triển khai trên địa bàn để thực hiện chương trình. Cùng với việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn như giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hóa ấp… tỉnh chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giúp người dân nông thôn nâng cao thu nhập. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp về nông thôn; nghiên cứu cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Trà Vinh yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, năm 2021 tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa và giảm nghèo bền vững. Từng cấp, ngành xây dựng kế hoạch, với các chỉ tiêu, nội dung thực hiện cụ thể, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Đặc biệt, các địa phương tập trung thực hiện tiêu chí liên quan để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân tổ chức lại sản xuất, tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị đầu ra cho sản phẩm…
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, năm 2020, tỉnh đã huy động tổng nguồn lực hơn 4.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 293 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương hơn 231 tỷ đồng, phần còn lại là nguồn vốn lồng ghép, tín dụng, doanh nghiệp và người dân đối ứng. Tỉnh cũng huy động tổng nguồn lực hơn 3.652 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Nhờ vậy, năm 2020, tỉnh Trà Vinh có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh giảm thêm 4.010 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo người Khmer giảm hơn 2.500 hộ.
Hiện tỉnh Trà Vinh có 69/85 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 60 xã đã có quyết định công nhận. Ngoài ra, 5/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó các huyện Tiểu Cần, Cầu Kè và thị xã Duyên Hải đã có quyết định công nhận, huyện Càng Long, thành phố Trà Vinh đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận. Toàn tỉnh còn 5.204 hộ nghèo, chiếm 1,8% so với tổng số hộ dân cư trong tỉnh.
Thanh Hòa