Trà Vinh: Dành 14 tỷ đồng khắc phục sạt lở đê điều

Trà Vinh: Dành 14 tỷ đồng khắc phục sạt lở đê điều

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh vừa giao đơn vị tổ chức thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, khắc phục các điểm sạt lở tại các công trình đê điều trên địa bàn. Tỉnh dành nguồn ngân sách hơn 14 tỷ đồng để thi công sửa chữa, gia cố 4 hạng mục công trình đê điều trên địa bàn huyện Châu Thành và thị xã Duyên Hải để ứng phó mùa mưa bão, triều cường năm 2023.

Trà Vinh: Dành 14 tỷ đồng khắc phục sạt lở đê điều   ảnh 1Dự án Phục hồi rừng ngập mặn ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TTXVN

Các công hạng mục công trình đê điều được ưu tiên sửa chữa gồm: gia cố sạt lở đê tả hữu sông Cổ Chiên (trên địa bàn xã Long Hòa, huyện Châu Thành, chiều dài 850 m, kinh phí gần 8,2 tỷ đồng); sửa chữa 5 cây cầu qua đê tả hữu sông Cổ Chiên (xã Long Hòa, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, kinh phí 1 tỷ đồng); sửa chữa sụt lún mái kè, tường hắc sóng chiều dài 462 m2; gia cố 43 m khóa kè (địa phận Hiệp Thạnh) và lắp đặt 4 biển báo tại kè Cồn Trứng (xã Trường Long Hòa thuộc thị xã Duyên Hải).

Theo ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tỉnh có hơn 65 km bờ biển, có hai nhánh sông Tiền, sông Hậu và nhiều tuyến sông ngòi. Những năm gần đây, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, cộng thêm vấn nạn khai thác cát sông trái phép dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, đê điều nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa bão. Hiện nay trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố đều có điểm sạt lở bờ biển, bờ sông với các mức độ khác nhau.

Nhiều năm qua, bằng nguồn vốn của Trung ương, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình đê, kè ven biển, đê bao kết hợp giao thông ven sông để chắn sóng, ngăn triều cường. Do nguồn kinh phí đầu tư theo từng giai đoạn, một số công trình không được thực hiện đồng bộ nên tình trạng sạt lở chưa được khắc phục hoàn toàn. Tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, mưa bão, triều cường, nước biển dâng thường xảy ra theo từng năm với mức độ ngày càng cao hơn, gây nên tình trạng sạt lở vào mùa mưa bão hằng năm trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh luôn chủ động khắc phục, gia cố, sửa chữa đê điều, kè biển, kè sông nhằm chủ động ứng phó triều cường, đảm bảo sản xuất, lưu thông và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân trong khu vực trước mùa mưa bão.

Cùng với việc gia cố, khắc phục đê điều, tỉnh đã tập trung thực hiện Dự án trồng rừng phòng hộ ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến cuối năm 2022, Trà Vinh đã trồng mới và chăm sóc phát triển rừng đạt tổng diện tích hơn 9.538 ha, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 4,07%. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, trồng mới khoảng 800 ha rừng để nâng độ che phủ rừng đạt 4,2 %. Tỉnh đã có quy hoạch 23.984 ha đất vùng ven biển, bố trí phát triển tổng diện tích rừng khoảng 12.250 ha, diện tích còn lại hơn 11.728 ha được bố trí cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.

Tình hình biến đổi khi hậu ngày càng diễn biến khó lường, việc đầu tư phát triển diện tích rừng được xem là giải pháp hữu hiệu, bền vững để bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, biển xâm thực vào đất liền trên địa bàn tỉnh.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm