Gia đình anh Kim Ngọc Giang - chị Phương Thu Hồng Điệp (xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành) thoát nghèo nhờ đầu tư trồng màu từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN |
Ông Thạch Tài, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình có 3 công đất (1 công khoảng 1.000m2), trước đây trồng lúa. Tuy nhiên, vùng đất này thường xuyên bị thiếu nước tưới vào mùa khô do nhiễm mặn nên mỗi năm chỉ trồng được 2 vụ lúa. Thêm nữa, năng suất cũng chỉ đạt khoảng 400-500kg/công và chất lượng lúa rất kém. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình ông chỉ lãi từ 700.000-800.000 đồng/công. Năm 2015, được ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích, gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi 3 công đất trên sang trồng ớt chỉ thiên. Mỗi vụ ớt khoảng 6 tháng, năng suất bình quân 2,3 tấn/công với giá bán 12.000-13.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 10 triệu đồng/công; cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, năm 2018, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi 7.515 ha đất trồng lúa sang trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hàng năm, cây ăn trái, trồng dừa và nuôi thủy sản. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chuyển đổi được hơn 313 ha trồng lúa sang trồng màu và trồng cỏ nuôi bò. Như vậy, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi hơn 12.555 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày, cây ăn trái, trồng dừa và nuôi thuỷ sản. Ông Trần Trung Hiền - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, việc chuyển đổi gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nông dân có tập quán trồng lúa. Cùng đó, trồng màu không có thị trường bền vững, không tồn trữ được lâu nên giá cả thường bấp bênh. Do vậy, ngành nông nghiệp đang phối hợp với ngành liên quan hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi liên kết, thắt chặt liên kết “4 nhà” để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản.
Thanh Hoà