TPP và cơ hội nâng tầm các mặt hàng nông sản Đắk Nông

TPP và cơ hội nâng tầm các mặt hàng nông sản Đắk Nông
Đối với Đắk Nông, một số chuyên gia kinh tế đã nhận định TPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội để sản phẩm ngành nông nghiệp tham gia sâu vào thị trường thế giới. Đây cũng là con đường mở ra tương lai tăng trưởng mạnh cho ngành chủ lực của Đắk Nông nếu địa phương biết nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng trong xu thế cộng đồng chia sẻ lợi ích, cùng nhau phát triển.

Thế mạnh nông nghiệp

Hiện Đắk Nông đang có khoảng hơn 306,7 ngàn ha đất nông nghiệp, chiếm 47% tổng diện tích tự nhiên, trong đó đất trồng cây công nghiệp lâu năm chiếm phần lớn diện tích. Trên 70% dân số làm nông nghiệp, Đắk Nông được xem là một trong những tỉnh, thành có thế mạnh phát triển các sản phẩm từ lĩnh vực này.

Chưa kể đến, Đắk Nông đang sở hữu những lợi thế mà ít nơi có được đó là khí hậu bán nhiệt đới, vùng đất đỏ bazan màu mỡ để phát triển một số cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su, các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, măng cụt…

Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng đang có một lực lượng lao động nông thôn khá dồi dào với độ tuổi trung bình nằm trong tỷ lệ vàng so với cả nước và khu vực. Đây chính là thế mạnh mà tỉnh nhà cần khai thác và phát huy.
Sầu riêng Đức Mạnh (Đắk Mil) có năng suất cao, chất lượng tốt nhưng "hương" chưa bay xa. Ảnh: Văn Tâm
Sầu riêng Đức Mạnh (Đắk Mil) có năng suất cao, chất lượng tốt nhưng "hương" chưa bay xa. Ảnh: Văn Tâm
Trước hết, chúng ta chỉ xét trên những lợi thế so sánh vượt trội so với khu vực thì chí ít cũng đã có được những cái nhìn khả quan. Đơn cử như sản phẩm hồ tiêu, nếu xét về diện tích, Đắk Nông hiện đang được cả nước ghi nhận là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước, vượt qua Gia Lai, nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ” của loại cây này.

Hồ tiêu ở Đắk Nông cũng đang phát triển khá tập trung ở một số huyện như Đắk Song, Đắk R’lấp và dàn trải đều ở các huyện, thị khác. Đây chính là cơ sở để chúng ta tổ chức lại sản xuất, quy hoạch vùng trọng điểm cho cây hồ tiêu phát triển một cách bài bản, theo hướng bền vững, đáp ứng đủ sản lượng, chất lượng, nhu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập.

Cà phê và cao su cũng là một trong những cây trồng thế mạnh của tỉnh đã được kiểm chứng. Với diện tích, sản lượng và chất lượng cà phê Đắk Nông hiện nay, nếu chúng ta làm tốt hơn nữa quy trình sản xuất, chế biến thì đây cũng là sản phẩm có khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường các nước tham gia TPP.

Một lĩnh vực mà khi tham gia TPP, các chuyên gia kinh tế vừa kỳ vọng, vừa lo ngại là ngành chăn nuôi. Nếu xét về lợi thế, Đắk Nông không kém gì so với các tỉnh, thành và một số nước trong khu vực. Từ chăn nuôi theo dạng mô hình nhỏ lẻ hộ gia đình, hiện Đắk Nông đang có những mô hình chăn nuôi lợn, bò và một số động vật rừng với quy mô trang trại…

Những lợi thế đã nêu cũng chỉ mang tính khái quát, đại diện cho nhiều lợi thế trong tổng quan ngành Nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, lợi thế là mặt tích cực khi chúng ta biết phát huy, tận dụng được thời cơ và xác định đúng những thử thách trong một môi trường cạnh tranh rộng lớn của cả nước, khu vực và thế giới.

Cần thiết phải đẩy nhanh tái cơ cấu

Mặc dù được đánh giá là có nhiều lợi thế song do xuất phát điểm sau, ngành Nông nghiệp Đắk Nông vẫn đang phát triển chủ yếu thiên về tự phát, thiếu định hướng chiến lược về quy hoạch vùng, lĩnh vực trong cơ cấu nội ngành theo hướng bền vững.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế trong nước đã khẳng định: Giải pháp để khai thác tốt hơn thời cơ mới do TPP đem lại và đối phó một cách có hiệu quả với những thách thức, đó là chúng ta phải thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy cao hơn lợi thế của ngành, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất để các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn, chiếm lĩnh thị trường đã được các nước cam kết mở cửa cho chúng ta.

Trên thực tế, những vấn đề này, Đắk Nông cũng đã và đang thực hiện như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng những cánh đồng mẫu lớn để đưa máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung sản lượng, nâng cao chất lượng, hạ giá thành cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, những hoạt động này cũng đang chủ yếu dừng lại ở dạng mô hình thử nghiệm, chưa được nhân rộng theo vùng, khu vực.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, ngành Nông nghiệp đã và sẽ có những tham mưu mang tầm chiến lược cho UBND tỉnh trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý để tạo đà cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh hội nhập thị trường thế giới. Đặc biệt, ngành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước nâng cao năng lực sản xuất cho người dân kết hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

Cũng theo ông Duyên thì mục đích trong tái cơ cấu nông nghiệp chính là sắp xếp phù hợp cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, hạ giá thành sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới. Bên cạnh biết phát huy tốt thế mạnh, cũng cần chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh những ngành hàng hiện nay còn yếu thế để không chỉ cạnh tranh trong TPP mà còn cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp nói chung.

Để làm được điều này, trước mắt phải tiếp tục khuyến khích người dân tập trung tư liệu sản xuất, tham gia các nhóm đồng sở thích, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp, có sự phối hợp giữa nhà nước và nhà khoa học trong tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cung ứng sản phẩm đầu ra…

Rõ ràng, để chủ động hội nhập, chúng ta còn nhiều việc phải làm, song việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp chính là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm các mặt hàng để hạ giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường.
     
TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.

Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: Sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…Hiệp định bao gồm 30 chương và đề cập đến không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước.

Một khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
 
 
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm