Đó là khung cảnh lớp học tấu cồng chiêng và truyền dạy những điệu múa cổ truyền của "bà giáo" Tou Neh Mabio cho thế hệ trẻ người Chu Ru trong làng. Người ta biết đến bà Mabio chủ yếu từ nghề làm rượu cần cần nổi tiếng. Nhưng trước thực trạng chảy máu "cồng chiêng" và mai một những điệu múa huyền thoại, điệu hát cổ truyền của dân tộc Chu Ru, bà Mabio đã trăn trở, dày công sưu tầm lại những chiếc chiêng cổ, những điệu múa Tamya... để cố gắng giữ lại ngọn lửa văn hóa thiêng liêng, đưa những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Chu Ru dần "hồi sinh" trước sự giao thoa, lấn át ngày càng mạnh mẽ của văn hóa hiện đại đối với lớp trẻ trong vùng.
Bà Mabio dạy các em thiếu nhi treo chiêng, chỉnh chiêng sao cho chuẩn, cho hay |
Bà Mabio sinh ra trong gia đình, dòng họ ai cũng biết tấu nhạc, biết múa, biết hát. Tuổi thơ của bà lớn lên cùng những lễ hội của dân tộc Chu Ru với những điệu Tamya – Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Đămtơra , tiếng chiêng, tiếng trống Sơgơr, kèn Lơkel… Những buổi ngồi dự lễ, âm nhạc đã tự ngấm vào máu thịt của bà. Khi lên 10 tuổi, bà Mabio đã biết chơi chiêng, chơi trống, múa được những điệu múa Tamya theo trai gái trong làng mà không hề lỗi nhịp.
Bà Mabio dày công biên soạn lại những bài nhạc truyền thống để dạy lại cho thế hệ trẻ |
Các em thiếu niên lứa tuổi 14 – 18 tuổi say mê nghe bà dạy hát dân ca Chu ru |
Bà Mabio truyền “lửa” lửa văn hóa truyền thống của dân tộc cho các em thiếu nhi còn rất ít tuổi qua tiếng chiêng, nhịp trống |
Các chị lớn dạy lại bài học chiêng cho các em nhỏ |
Bà Mabio truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng cho các em nhỏ |
Vũ điệu Tamia được các em hào hứng học từ bà Mabio |
Theo dòng chảy của thời gian, nhiều người Chu Ru, nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với tiếng trống, tiêng chiêng, những vũ điệu Tamya đã có lúc vắng bóng dần trong các nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng. Bà Mabio cất công đi tìm những bộ chiêng quý và mua lại, biên soạn lại những bản nhạc, những điệu múa cổ xưa. Những năm 2003 - 2005, bà Mabio thuyết phục các em nhỏ trong làng và bắt đầu mở lớp dạy chiêng, trống và các vũ điệu truyền thống cho bọn trẻ. Trước nhiệt huyết của bà, năm 2007, Sở Văn hóa - Thể thao huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã hỗ trợ kinh phí cho bà mở lớp truyền dạy cồng chiêng và múa hát, ban đầu chỉ khoảng 10 em trong làng, trong dòng họ của bà tham gia, sau đó tăng dần lên gần 30 em.
Miệt mài truyền dạy, bà Mabio đã dần truyền cho lớp trẻ dân tộc Chu ru hiểu và say mê văn hóa truyền thống dân tộc. Hiện nay, bà Mabio đang mở 1 lớp truyền dạy cách đánh chiêng, đánh trống, những vũ điệu Tamya cho 34 em thanh thiếu niên trong làng. Tham gia lớp học, nhỏ nhất có những em chỉ mới 5- 6 tuổi học đánh chiêng, đánh trống và những thiếu nữ 18 – 20 say mê học vũ điệu Tamya. Em Ya Luận, 7 tuổi hào hứng tâm sự: “ Lúc đầu em chỉ đến xem các anh chị tập đánh chiêng, đánh trống thôi, xong rồi thích dần và được vào lớp học em vui lắm, em sẽ cố gắng để đánh được thật nhiều bài chiêng, điệu trống”. Bà Mabio chia sẻ: “Lúc đầu, bọn trẻ không quan tâm học văn nghệ truyền thống đâu, nhà có sẵn dàn chiêng, trống, tôi thuyết phục và dạy bọn chúng dần dần. Giờ đây, sau những giờ học, giờ đi làm, bọn trẻ lại háo hức đến lớp học để cùng nhau hòa nhịp chiêng, nhịp trống, nhịp Tamya. Tôi vui lắm và mong có nhiều điều kiện và sức khỏe để truyền dạy cho thật nhiều các cháu ”.
Bà Mabio thổi kèn Rơkel |
Với sự dẫn dắt của “nhạc trưởng” Tou Neh Mabio, trong những ngày hội lớn của dân tộc Chu Ru ở vùng đất Đơn Dương, không thể thiếu “dàn nhạc Mabio” với những tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn Rơkel cùng điệu dân vũ Tamya – Arya đại diện cho tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng động ngày một keo sơn, thắm thiết. Năm 2012, bà Tou Neh Mabio vinh dự được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng”.
Ông Phùng Quốc Minh, Phó trưởng phòng Phòng Văn hóa, thông tin huyện Đơn Dương cho biết: “ Nghệ nhân Tou Neh Mabio hiện là bảo tàng sống của văn hóa Chu ru, bà đã có công góp phần giữ gìn những tinh hoa giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Không chỉ truyền dạy mà bà Mabio còn luôn là hạt nhân tích cực trong phong trào biểu diễn, giới thiệu văn hóa cồng chiêng của dân tộc Chu ru trong các ngày hội lớn. Việc làm của bà rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng”.
Sau hơn 10 năm kiên trì truyền dạy, đến nay, đã gần 60 tuổi, nghệ nhân Tou Neh Mabio vẫn tấu những nhịp chiêng, nhịp trống say mê, vẫn có những cú lắc hông uyển chuyển, quyến rũ của vũ điệu Tamya làm say đắm lòng người và vẫn sẽ tiếp tục tiếp dẫn ngọn lửa văn hóa truyền thống của dân tộc Chu Ru cháy mãi, xây dựng những thế hệ tiếp nối mạch nguồn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình không bị phai nhạt trong bối cảnh giao lưu cùng phát triển chung của thời đại.
Sau hơn 10 năm kiên trì truyền dạy, đến nay, đã gần 60 tuổi, nghệ nhân Tou Neh Mabio vẫn tấu những nhịp chiêng, nhịp trống say mê, vẫn có những cú lắc hông uyển chuyển, quyến rũ của vũ điệu Tamya làm say đắm lòng người và vẫn sẽ tiếp tục tiếp dẫn ngọn lửa văn hóa truyền thống của dân tộc Chu Ru cháy mãi, xây dựng những thế hệ tiếp nối mạch nguồn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình không bị phai nhạt trong bối cảnh giao lưu cùng phát triển chung của thời đại.
Thực hiện: Hoàng Tâm – Nam Sương