Ngày 22/12, tại thành phố Tuy Hòa, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố Quyết định về việc cấp văn bằng Chỉ dẫn địa lý “Phú Yên” cho sản phẩm tôm hùm bông tỉnh Phú Yên.
Tôm hùm bông Phú Yên có màu xanh dương pha lá cây, các gai trên vỏ, đầu, ngực màu cam, riêng hai gai má có màu trắng, giữa vỏ lưng mỗi đốt bụng có một dải ngang màu đen, các chân bò của tôm màu đen với những đốm dị hình vàng nhạt.
Loài tôm này có trạng thái tự nhiên nguyên vẹn, không mềm vỏ, đầu dính chặt vào thân, thịt săn chắc đàn hồi, bám chắc vào vỏ. Hiện toàn tỉnh Phú Yên có 2.200 hộ nuôi tôm hùm bông với 35.000 lồng, sản lượng mỗi năm đạt 150 tấn, doanh thu 3.000 tỷ/năm. Khu vực địa lý tôm hùm bông Chỉ dẫn địa lý Phú Yên bao gồm đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô.
Tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng nhấn mạnh, việc cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Phú Yên cho sản phẩm tôm hùm bông nhằm khẳng định giá trị, chất lượng sản phẩm. Theo ông Trần Lê Hồng, đây mới là chỉ dẫn thương mại, để phát triển mạnh sản phẩm này, Phú Yên cần đầu tư toàn diện để hoàn thiện, nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm tôm hùm bông từ con giống, chế độ thức ăn, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt thị trường nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh cần có giải pháp, chiến lược phát triển thương hiệu tôm hùm bông trở thành sản phẩm mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, xu hướng của thị trường hiện nay luôn đòi hỏi những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bão hộ. Chỉ dẫn địa lý không chỉ mang đến ý nghĩa về xuất xứ hàng hóa mà quan trọng hơn mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất, giúp doanh nghiệp, địa phương ngăn ngừa các sản phẩm hàng giả, kém chất lượng, góp phần quảng bá sản phẩm địa phương. Tôm hùm bông Phú Yên được bão hộ chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao nhận thức của người nuôi theo quy trình chặt chẽ, tạo ra những sản phẩm giá trị, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Phú Yên sẽ tiếp tục đánh giá lại thực trạng tiềm năng định hướng phát triển, tìm kiếm mở rộng thị trường cho sản phẩm tôm hùm bông trong ngoài nước trong thời gian tới.
Dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hoá tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên đã cùng thảo luận nhiệm vụ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông, nhằm phát huy giá trị, danh tiếng sản phẩm; giải pháp góp phần gắn kiểm soát chất lượng, quản lý chất lượng sản phẩm khi được bảo bộ địa lý, nâng cao giá trị khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy sản phẩm đặc thù của Phú Yên phát triển bền vững.
Phạm Cường