Tổ chức trang trọng lễ giỗ lần thứ 94 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Tổ chức trang trọng lễ giỗ lần thứ 94 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Ngày 9/12, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức trang trọng lễ giỗ lần thứ 94 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, các cơ quan đoàn thể, dòng tộc Nguyễn Sinh, bảo tàng các tỉnh và nhân dân thành phố Cao Lãnh.

Tổ chức trang trọng lễ giỗ lần thứ 94 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ảnh 1Khu mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc trong ngày giỗ lần thứ 94. Ảnh : Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc diễn ra theo các nghi thức truyền thống gồm: Lễ cúng tiên thường, chính giỗ và lễ cúng hậu thường. Trong chính giỗ có thực hiện lễ dâng hương, hoa, phẩm vật; ôn lại cuộc đời của cụ.

Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu chia sẻ: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho yêu nước thương dân, đã sinh thành, giáo dục cho dân tộc Việt Nam một lãnh tụ vĩ đại, cho thế giới một “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ năm 1910, sau khi từ quan, cụ vào các tỉnh phía Nam, đi rất nhiều nơi, gặp nhiều người ở Bình Thuận, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp…và sang tận Campuchia để truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân, trong vai một đồ nho đi trị bệnh cho dân nghèo.

Tổ chức trang trọng lễ giỗ lần thứ 94 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ảnh 2Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, bà Huỳnh Thị Hoài Thu phát biểu. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Từ năm 1917, cụ thường lui tới hoạt động ở làng Hòa An, Cao Lãnh, ở nhà ông Lê Văn Giáo. Trong thời gian ở nơi đây, cụ làm nghề thuốc, xem mạch, kê toa trị bệnh cho bà con, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. Nhưng do tuổi cao, sức yếu, cụ đã mất vào ngày 27/11/1929 (ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ), tại làng Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp, hưởng thọ 67 tuổi. Cảm phục trước tấm lòng yêu nước, thương dân của cụ, người dân địa phương lúc bấy giờ đa phần rất nghèo khó nhưng vẫn chung tay lo an táng cụ như cho chính người thân tại miếu Trời Sanh (cạnh chùa Hòa Long hiện nay).

Tổ chức trang trọng lễ giỗ lần thứ 94 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ảnh 3Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp dâng mâm phẩm vật tại lễ Giỗ lần thứ 94 cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Đến nay đã 94 năm từ ngày cụ an nghỉ ở vùng đất Cao Lãnh, ngày 27 tháng 10 âm lịch hàng năm - ngày giỗ cụ đã trở thành một ngày lễ thiêng liêng của người dân Đồng Tháp. Sau khi thống nhất đất nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tập trung tu bổ, chăm lo hương khói trang nghiêm phần mộ của cụ. Đến nay, nơi đây đã trở thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; đón hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến viếng, tham quan...

Tổ chức trang trọng lễ giỗ lần thứ 94 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ảnh 4Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thắp hương tại mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh : Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Nhân dịp này, tại Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc diễn ra triển lãm 2 bộ ảnh: “Những công trình tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc” và “Sắc Sen Đồng Tháp”. Cùng với đó là hội thi trưng bày trái cây nghệ thuật; thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” gồm 3.000 tài liệu về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp; Liên hoan Đờn ca tài tử, Hát dân ca và Hò Đồng Tháp năm 2023; sinh hoạt truyền thống, nói chuyện chuyên đề về “Cuộc đời và sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”.

Tổ chức trang trọng lễ giỗ lần thứ 94 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ảnh 5Tập thể và cá nhân ủng hộ Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh : Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Nhân dịp này, Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc đã nhận được số tiền ủng hộ hơn 6,2 tỷ đồng từ các cơ quan, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm