Những ngày này, nhiều bản làng vùng cao ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La ngập tràn trong sắc trắng tinh khôi của hoa Sơn tra. Đây cũng là thời điểm thích hợp để những người ưa khám phá, trải nghiệm tìm đến để chiêm ngưỡng loài hoa gần gũi, thân thiết với cộng đồng dân tộc Mông trên những rẻo cao này.
Đối với cộng đồng dân tộc Mông ở Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung, từ lâu, cây Táo Sơn tra đã trở thành biểu tượng và được gọi với cái tên thân thuộc là Táo mèo. Theo người Mông, đây là loài cây kiên cường nhất, dù mọc lên trong điều kiện khắc nghiệt ở vùng cao nhưng hàng năm vẫn vươn lên, đơm hoa kết trái.
Bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La được biết đến là một trong những vùng trồng cây Sơn tra lớn nhất tỉnh Sơn La. Bản có 130 hộ dân với khoảng 750 nhân khẩu, toàn bộ là đồng bào dân tộc Mông. Bản Nậm Nghiệp có vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm trên dãy núi với độ cao khoảng 2.200 mét so với mực nước biển. Bởi thế, vùng quê này có kiểu khí hậu đặc trưng, mùa Đông lạnh giá còn mùa Hè mát mẻ.
Hàng năm, cứ vào độ tháng 2, tháng 3, những cây Táo sơn tra bước vào vụ đơm hoa kết trái. Cả bản lại được phủ một màu trắng đặc trưng. Đây cũng là thời điểm thích hợp để những du khách tìm đến những đồi Sơn tra để trải nghiệm và lưu giữ khoảng khắc đáng nhớ. Hoa Sơn tra có màu trắng muốt, nhụy vàng, hoa thường nở thành từng chùm.
Chị Nguyễn Thu Vân, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Lần đầu tiên, tôi được nhìn thấy hoa nở trắng cả đồi núi và phong cảnh rất hữu tình. Trên đường đi, tôi còn bắt gặp những biển mây rồi ánh nắng chan hòa của mùa Xuân rất đẹp. Đặc biệt, chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị khi dựng lều để ngủ bên dưới những cây hoa Sơn tra đang bung nở”.
Không chỉ du khách từ miền xuôi mà ngay cả đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng cao cũng không khỏi bất ngờ trước vẻ đẹp của hoa Sơn tra. Những rừng hoa trắng muốt, trải dài trên những sườn núi, nổi bật trên nền trời xanh đã tạo ra khung cảnh đẹp ngỡ ngàng khi tận mắt được chứng kiến.
Anh Thảng A Giò, du khách đến từ huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái cho biết: “Đây là chuyến đi đầu tiên lên đây, tôi thấy phong cảnh rất đẹp. Tôi mong muốn người dân ở đây sẽ giữ gìn, chăm sóc cây Sơn tra để thu hút khách du lịch đến đây nhiều hơn”.
Bản Nậm Nghiệp là một trong những điểm nhấn du lịch của “miền quê cổ tích” xã Ngọc Chiến. Nơi đây có diện tích cây Sơn tra với khoảng 1.600ha, trong đó có hơn 800ha cây Sơn tra cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm. Trung bình, đường kính của gốc cây từ 60 - 80 cm, có nhiều cây cổ thụ gốc lớn đủ để hai người ôm.
Sơn tra được biết đến là cây đa mục tiêu, vừa tăng độ che phủ của rừng, vừa mang lại nguồn lợi từ thu nhập cho người dân ở Nậm Nghiệp. Những năm gần đây, bà con trong bản đã biến lợi thế từ những đồi táo của mình để thu hút du khách phương xa. Kết thúc mùa hoa, cây Sơn tra sẽ kết quả và cho thu hoạch vào tháng 9, tháng 10. Quả Sơn tra được bà con bán ra để làm các loại đồ uống.
Ông Kháng A Câu, Bí thư Chi bộ bản Nậm Nghiệp thông tin: “Cây Sơn tra đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mông ở bản Nậm Nghiệp nhiều đời nay, là cây xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Vào mùa quả Sơn tra hằng năm, bà con Nậm Nghiệp thu về trên 3.000 tấn quả tươi”.
Một số hình ảnh "Hoa sơn tra nở trắng rừng núi vùng cao Sơn La":
Hữu Quyết