Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, các kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non của tỉnh thời gian qua đã tạo điều kiện quan trọng để trẻ tiếp tục tiếp thu kiến thức ở các bậc học cao hơn, đồng thời góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Đắk Nông đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non vừa là một vinh dự, vừa là trách nhiệm đối với tỉnh trong việc nâng cao chất lượng bậc học này.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (trái) trao quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Đắk Nông đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non.. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN |
Trong 5 năm qua, bằng các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương, Đắk Nông đã đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non. Các kết quả nổi bật là 71/71 xã, phường, thị trấn đạt yêu cầu về tỷ lệ huy động trẻ ra lớp; 8/8 huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn về giáo viên, về cơ sở vật chất. Trong 5 năm, Đắk Nông đã tuyển thêm hơn 1.200 giáo viên mầm non để đáp ứng nhu cầu dạy và học; tỷ lệ huy động trẻ tăng khoảng 7%.
Là tỉnh mới thành lập, công tác phổ cập giáo dục mầm non tại Đắk Nông thời gian qua gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên đều thiếu thốn, hạn chế. Trong khi đó, tỷ lệ dân số tăng cơ học rất nhanh, số trẻ đến trường, đến lớp năm sau đều cao hơn năm trước. Để đạt được các kết quả nổi bật nêu trên, Đắk Nông đã nhận được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của toàn xã hội trong công tác xã hội hóa giáo dục. Tại các địa phương, nhiều nông dân sẵn lòng hiến đất trị giá hàng trăm triệu đồng để địa phương xây trường mẫu giáo. Một số doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ nhiều cho ngành giáo dục, nhất là bậc học mầm non.
Đắk Nông là tỉnh thứ hai tại khu vực Tây Nguyên và là tỉnh thứ 37 trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn giáo dục mầm non./.