Từ câu chuyện truyền thuyết
Rồi một hôm, khi cả nhà đi vắng, đôi trai gái đã bàn với nhau tìm đến cái chết để được bên nhau. Họ rủ nhau vào rừng, nhưng đến nơi vì lời qua tiếng lại ai chết trước, ai chết sau… Cuối cùng, cô gái với tình yêu mãnh liệt dành cho chú của mình đã xin chết trước. Chứng kiến người mình yêu treo cổ tự tử chàng trai hoảng sợ, chạy về kêu cứu mọi người. Khi mọi người đến, cô gái không còn sống nữa, chàng trai buồn bã quên ăn quên ngủ chỉ nghĩ về người yêu của mình.
Vào một buổi chiều chàng khăn gói đi ngủ đêm bên bờ suối trong rừng… Trăng đã lên cao, mắt chàng cay cay mà không tài nào ngủ được, thoảng nghe từ dưới suối có âm thanh rất lạ. Chàng men theo con suối tìm đến nơi có âm thanh phát ra và nhìn thấy “kơ bong” (loại cây ống mọc) va vào nhau lúc mạnh lúc yếu, phát ra hai âm thanh có cao độ khác nhau. Lúc va vào thân cây tiếng kêu to “ting”, khi va vào mắt cây tiếng kêu nhỏ hơn “ning”.
Trở về nhà chàng lấy cây lồ ô và “kơxi Rơbo” (dễ cây rừng đập dập phơi khô làm dây đàn). Có cây đàn, mỗi khi nhớ nàng trong lòng chàng cảm thấy thanh thản hơn nhiều. Đêm nào cũng vậy chàng ngồi dựa mình ở thành cửa nhà Rông gảy đàn. Vào một hôm trăng sáng, trong lúc đang cảm hứng say mê với cây đàn của mình, chàng nhìn thấy nàng xuất hiện từ phía cổng làng vẫy gọi mình. Quá mừng rỡ chàng vội treo cây đàn lên mà không để ý cây lao phía dưới, vội nhảy xuống bị lao đâm vào bụng. Trước khi nhắm mắt trên môi chàng vẫn nở nụ cười mừng rỡ hạnh phúc khi nhìn thấy người mình yêu. Vậy là cuối cùng họ được trở về bên nhau như lời hẹn ước, cũng từ đó người ta đặt tên cho cây đàn mà chàng trai gảy là đàn Ting Ning để nhớ về mối tình của đôi trai gái. Kể từ đó cây đàn được các chàng trai Bahnar dùng để bày tỏ tình cảm của mình với người yêu, đã trở thành sợi tơ hồng gắn kết biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng.
Cây đàn tình của các chàng trai Ba Na
Theo như chia sẻ của nghệ nhân Đing Plơnh (Nghệ nhân đến từ làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai “lồ ô mang về không được phơi ngoài trời nắng sẽ dễ bị nứt, cho nên phơi ở gác bếp để lồ ô khô mà không bị nứt’’. Trên phần đầu ống lồ ô cắm một số thanh tre nhỏ để mắc dây đàn, đây cũng chính là những chốt dùng để “lên dây” khi đàn cho âm thanh chuẩn hơn. Dưới những chốt này, trên thân dây người ta vẽ những viên sáp ong rồi dính lên làm điểm bấm các nốt trên dây đàn. Cuối ống trên thân đàn người ta gắn nửa quả bầu khô để thu âm thanh, để có được độ vang, họ chọn quả bầu tròn và dày. Dây đàn được các nghệ nhân làm với 12 dây, trước đây dây đàn được lấy từ lõi của dây điện Pháp, còn bây giờ đồng bào lấy từ lõi của dây phanh xe đạp… Nhờ vậy mà âm thanh nghe sáng hơn, vang hơn.
Đàn Ting Ning - nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hoa |
Nhắc đến cây đàn, nghệ nhân Đing Plơnh cầm đàn gảy một bài, âm thanh trong sáng phát ra từ cây đàn mộc mạc như lời kể của ông, dưới làn da nâu, đôi mắt ông như sáng lên kể về cái thời còn trẻ: Khi làng có chuyện vui, rượu đã ngà ngà say, chúng tôi mang đàn ra gảy để trò chuyện với các cô gái, cứ như vậy cho đến tận đêm khuya.
Đàn Ting Ning giờ đây không chỉ dành cho các chàng thanh niên bày tỏ tình cảm với bạn gái, mà khi có gia đình rồi cây đàn vẫn tiếp tục chuyển tải tình cảm của người chồng với người vợ để cùng chia sẻ bầu bạn với nhau. Tính tang, tình tang… lời yêu thương trong sáng như đôi mắt của chàng trai, róc rách ngọt ngào như suối nguồn của đại ngàn Tây Nguyên. Ting Ning đã trở thành cây đàn tình, cây đàn yêu thương của người con Banar giữa vùng đất đỏ bazan.