Ngày 15/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức Cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa năm 2024.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa, Bắc Giang là địa phương có lịch sử, văn hóa lâu đời với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc. Tỉnh hiện còn bảo lưu hơn 2.000 di tích lịch sử - văn hóa. Hệ thống di tích đa dạng về loại hình như: Di tích lịch sử (ATK 2 Hiệp Hòa, di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang…); di tích kiến trúc nghệ thuật (đình Lỗ Hạnh, đình Thổ Hà, đình Phù Lão…); danh lam thắng cảnh (Suối Mỡ, suối Nước Vàng); di tích khảo cổ (chùa Cao, chùa Đám Trì), trong đó có nhiều di tích còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn kiến trúc nghệ thuật có niên đại từ 100 năm đến hơn 400 năm.
Di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh Bắc Giang đa dạng ở nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội, tín ngưỡng, tri thức dân gian với gần 800 lễ hội lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có nhiều lễ hội có quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách tham dự như: Lễ hội Thổ Hà, lễ hội chùa Bổ Đà; lễ hội Yên Thế; lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm; lễ hội Tây Yên Tử... Bên cạnh đó là kho tàng dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực và nhiều ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản luôn được tỉnh quan tâm, đầu tư và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 4 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là: Dân ca Quan họ, Ca trù, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam; 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 755 di tích được xếp hạng các cấp và 4 bảo vật quốc gia. Việc quảng bá, tuyên truyền về giá trị di sản văn hóa đến đông đảo tầng lớp nhân dân được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức. Trong đó, ngành Văn hóa đã phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhằm đa dạng hóa các hình thức đưa di sản văn hóa vào học đường.
Cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa nhằm giúp học sinh hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Bắc Giang; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Cùng đó, đa dạng hóa các hình thức đưa di sản văn hóa vào học đường, tạo nên sân chơi bổ ích cho học sinh, giúp các em mở rộng kiến thức, bồi đắp kỹ năng thuyết trình, giao tiếp.
Tham dự cuộc thi, các thí sinh đến từ 8 huyện, thị xã, thành phố thuyết trình về một di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn. Đây là những thí sinh có bài thi tự luận xuất sắc được lựa chọn từ các bài trên toàn tỉnh.
Dưới hình thức sân khấu hóa, với sự tìm hiểu kỹ lưỡng, chuẩn bị công phu, cùng những hình ảnh minh họa đặc sắc, rõ nét, các thí sinh đã thể hiện sự am hiểu về những di tích lịch sử văn hóa ở địa phương; qua đó giúp khán giả hiểu thêm về những nét đặc sắc trong kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, phong tục, tập quán của mỗi vùng quê.
Kết thúc, Ban tổ chức trao giải 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và giải Khuyến khích cho các thí sinh tham dự.
Đồng Thúy