Sóc Trăng phát huy các giá trị di sản văn hóa Khmer

Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer. Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch.

Nguoi Khmer phat huy tinh than doan ket 10.jpg
Hàng trăm nghệ sĩ, nghệ nhân Khmer cùng hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống với dàn nhạc Ngũ âm tại chương trình biểu diễn nhạc ngũ âm có quy mô lớn nhất Việt Nam tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu

* Những di sản văn hóa Khmer giàu sức sống

Đồng bào Khmer sinh sống tập trung đông nhất, chiếm trên 30% dân số và sở hữu 5/8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng, bao gồm: Lễ hội đua ghe Ngo, nghệ thuật trình diễn sân khấu Dù kê, nghệ thuật múa Rom vong, nghệ thuật trình diễn nhạc ngũ âm, nghệ thuật sân khấu Rô băm. Với lịch sử lâu đời, người Khmer ở Sóc Trăng đã kết tinh nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, từ các loại hình nghệ thuật tới văn hóa tín ngưỡng, văn hóa lễ hội…

Chúng tôi có mặt ở Sóc Trăng vào đúng những ngày diễn ra Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024. Được hòa mình vào chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú, mang đậm bản sắc, có lẽ ấn tượng nhất với chúng tôi là chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm dân tộc Khmer có quy mô lớn nhất Việt Nam, quy tụ 20 dàn nhạc Ngũ âm với 200 nghệ nhân, nhạc công và các diễn viên múa Rom Vong cùng tham gia.

Nhạc Ngũ âm (hay còn gọi là Phlêng Pin Piết) - một loại hình âm nhạc cổ truyền có từ lâu đời của người Khmer, được hợp thành từ 5 bộ nhạc cụ với 5 loại chất liệu khác nhau gồm: bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi, bộ da và bộ đồng, tạo nên 5 âm sắc riêng biệt. Có thể nói, đây là loại hình âm nhạc hòa tấu mang đậm tính nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt tâm linh ở chùa và xóm, ấp của người Khmer. Vào những ngày Tết cổ truyền và những dịp lễ quan trọng của đồng bào Khmer, nhạc Ngũ âm với những âm thanh trầm bổng thường được biểu diễn để hỗ trợ cho các điệu múa, các vở diễn ở sân khấu dù kê, rô băm... trở nên uyển chuyển hơn, tạo nét riêng, sinh động, hấp dẫn cho âm nhạc truyền thống.

Nhạc Ngũ âm của người Khmer không chỉ tiếp thu các yếu tố và giá trị văn hóa từ bên ngoài mà còn dung hòa cho phù hợp với môi trường và tính cách riêng của đồng bào Khmer tại địa bàn. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã lưu giữ và truyền tải nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người Khmer. Bởi vậy, ngày 20/12/2019, nghệ thuật trình diễn dân gian "Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng" đã được công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguoi Khmer phat huy tinh than doan ket 11.jpg
Nhạc công Khmer cùng nhau diễn tấu Nhạc ngũ âm để xác lập kỷ lục Việt Nam tại chương trình diễn Nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer có quy mô lớn nhất Việt Nam tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu

Sau buổi trình diễn nhạc Ngũ âm quy mô lớn nhất, chúng tôi cùng hàng trăm nghìn người dân ở Sóc Trăng và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng du khách lại hào hứng tham dự lễ khai mạc giải Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần VI tại đường đua trên sông Maspero, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Mặc dù trời trưa tháng 11 nắng nóng gay gắt nhưng người dân và du khách vẫn tập trung từ sớm và đứng kín dọc hai bên bờ sông để cổ vũ cho các đội ghe Ngo, chứng kiến các đội đua thi triển kỹ thuật bơi hấp dẫn và kịch tích ngay từ vòng loại trong tiếng hò reo cổ vũ vang dội của người hâm mộ.

Đối với đồng bào Khmer, chiếc ghe Ngo có vị trí vô cùng quan trọng, được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của tình đoàn kết và sức mạnh thôn xóm. Vì thế, khi có ghe Ngo thì đồng bào Khmer từ trẻ đến già đều thể hiện sự trân trọng và yêu thích khi được góp sức cho đội ghe và thôn xóm của mình, nhiều gia đình sẵn sàng tự bỏ tiền để lo cho cả đội ghe Ngo từ lúc tập luyện cho đến ngày khai hội.

Những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp chính quyền, nguồn vận động từ các chùa, nhiều chùa đã đóng ghe ngo mới, góp phần đưa môn thể thao đua ghe Ngo truyền thống ngày càng phát triển sâu rộng. Nhiều huyện, thị xã, thành phố cũng đã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các chùa tham gia lễ hội. Chính điều đó tạo động lực cho các đội ghe Ngo nỗ lực trên đường đua.

Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được công nhận kỷ lục Việt Nam về giải đua ghe Ngo có số lượng đội ghe và số lượng vận động viên nhiều nhất lễ hội Óc Om Bóc tính từ năm 2005 đến nay.

Theo ông Lâm Hoàng Mẫu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, giải đua ghe Ngo năm nay được tổ chức quy mô hơn, thu hút 60 đội, gần 7.200 vận động viên, huấn luyện viên và nhân viên phục vụ cùng tham gia, trong đó Sóc Trăng có 48 đội (45 đội nam và 3 đội nữ), các tỉnh lân cận (Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang) có 12 đội ghe (8 đội nam và 4 đội nữ). Đây là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer ở vùng Tây Nam Bộ nói riêng lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, sức sống mãnh liệt của Lễ hội Đua ghe Ngo.

NAH_0762.JPG
Hướng dẫn nghệ sĩ trẻ các động tác biểu diễn trên sân khấu. Ảnh: An Hiếu

* Gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Khmer trong thời kỳ hội nhập

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, thực hiện Tiểu dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tính riêng trong giai đoạn 2023 - 2024, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư kinh phí gần 32 tỷ đồng để tổ chức các lớp bảo tồn, truyền dạy nhằm duy trì các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra, các chương trình, dự án của Trung ương đã giúp cho tỉnh nhà có thêm nguồn kinh phí để triển khai sâu rộng hơn mục tiêu bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, từ việc sưu tập các loại hình nghệ thuật truyền thống trong đồng bào Khmer, gìn giữ, phát huy và truyền dạy những loại hình có nguy cơ mai một.

Thời gian qua, Sóc Trăng duy trì công tác bảo tồn và tổ chức các lễ hội lớn như Lễ hội Chrôi Rum Chếk (cúng phước biển Vĩnh Châu), lễ Thắk Côn (cúng dừa), Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Lôi Protip (thả đèn nước), Lễ hội cúng Trăng…, trong đó đặc biệt là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo được tổ chức ngày càng quy mô, thu hút sự tham gia của các tỉnh trong khu vực. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ lễ hội như khán đài, bờ kè đường đua ghe Ngo; khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); khu tổ chức Lễ hội cúng phước biển Vĩnh Châu… cũng được quan tâm đồng bộ.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cũng thông tin thêm, hiện tỉnh đang tập trung thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030. Việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, dân gian cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, hấp dẫn, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, phấn đấu thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự.

Nguoi Khmer phat huy tinh than doan ket 12B.jpg
Một điệu múa cổ điển của các nghệ sỹĩđến từ Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu

Giai đoạn từ năm 2022 - 2023, Sóc Trăng đã thực hiện 4 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gồm: khảo sát, kiểm kê, sưu tầm ghe Ngo, ghe cà hâu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề đan lát và nghề vẽ tranh trên kiếng của người Khmer. Đồng thời, triển khai bảo tồn 3 lễ hội truyền thống tại địa phương như lễ hội truyền thống Cầu an của người Khmer; lễ hội Phước biển của người Khmer thị xã Vĩnh Châu và lễ hội Thắk Côn của người Khmer huyện Châu Thành.

Ngoài ra các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể được tổ chức định kỳ; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể; xây dựng 4 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại huyện Châu Thành, huyện Mỹ Xuyên, huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Hỗ trợ mua sắm tủ sách, các bộ thiết bị âm thanh, bàn, ghế, dụng cụ thể thao cho các ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 14 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những lớp kế cận…

Nguoi Khmer phat huy tinh than doan ket 14.jpg
Giải Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một trong môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer được duy trì tổ chức hằng năm vào dịp Lễ hội Oóc Om Bóc. Ảnh: An Hiếu

Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, năm 2024, mặc dù kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh nhà; Sóc Trăng đã vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đạt được một số kết quả tích cực; nổi bật là tốc độ tăng trưởng năm 2024 ước đạt 7% (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết).

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân được quan tâm thực hiện, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc luôn được bảo tồn và phát huy, nhất là các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc, trong đó Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer được duy trì tổ chức hằng năm, giúp lan tỏa văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhà đến với du khách, góp phần khẳng định “Bảo tồn, phát huy bản sắc bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ; Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, sẻ chia của đồng bào Khmer Nam Bộ với các dân tộc Kinh, Hoa trong quá trình khai phá, xây dựng vùng đất “chín rồng” cũng như những nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ…

Thu Hương, An Hiếu

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm